Thứ 6, 29/03/2024 14:32:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:46, 24/01/2016 GMT+7

Cần phổ biến trò chơi dân gian trong trường học

Chủ nhật, 24/01/2016 | 08:46:00 684 lượt xem

Học sinh Trường tiểu học Minh Lập hào hứng tham gia trò chơi kéo co

BP - Chúng tôi đến Trường tiểu học Nha Bích (Chơn Thành) giữa lúc giáo viên đang tổ chức hoạt động ngoài giờ cho học sinh. Hai nhóm học sinh đang hăng say kéo co trong một bầu không khí thân thiện, đoàn kết và sôi động. Ở góc sân trường, một nhóm học sinh vui cười với trò nhảy lò cò, trốn tìm. Gạt những giọt mồ hôi trên trán, em Ngô Xuân Hoài, học sinh lớp 5A1 vui vẻ nói: “Chúng em được thầy cô tổ chức những trò chơi dân gian (TCDG), như kéo co, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê,... vào buổi học thể dục và ngoài giờ lên lớp. Các trò chơi này rất vui nhộn, tạo cho em cảm giác vô cùng hào hứng”. Em Nguyễn Kỳ Anh, bạn cùng lớp với Hoài chia sẻ: “Em và một số bạn nữ khác thích trò nhảy lò cò và chơi chuyền. Trò chơi còn dạy cho chúng em bài học về tình đoàn kết và hiểu nhau hơn”.

Những năm gần đây, Minh Lập (Chơn Thành) là xã có tỷ lệ học sinh nghiện chơi trò chơi điện tử và bỏ học chơi game cao. Nhưng khi được thầy cô phổ biến các TCDG, tình trạng này đã giảm hẳn. Em Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 5A1, Trường tiểu học Minh Lập nói: Tham gia TCDG, em và các bạn có cơ hội thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng mà không khiến mắt em bị mỏi như dùng máy tính.

Tổ chức TCDG không chỉ mang đến lợi ích cho học sinh mà còn tác động tích cực tới nội dung giảng dạy trong các hoạt động ngoại khóa của trường học. Hiện TCDG có thể chia thành 4 nhóm: Vận động (tập tầm vông, dung dăng dung dẻ, lò cò, bịt mắt bắt dê...), học tập (chơi cờ lá, cờ lật, chơi ô ăn quan...), sáng tạo (làm chong chóng lá, nặn đất sét,...) và mô phỏng (làm nhà, nấu ăn,...). TCDG được tổ chức chủ yếu ở ngoài trời, nơi có không gian rộng, vô tình đã gắn bó người chơi với môi trường tự nhiên, dạy cho trẻ những bài học về tình yêu thiên nhiên, đất nước. TCDG  còn yêu cầu người chơi phải vận động, qua đó tránh tình trạng “ngồi mọc rễ” như đa số trò chơi điện tử hiện nay. Sự vận động thể lực phù hợp với lứa tuổi tạo cơ hội rèn luyện sức khỏe cho học sinh, tránh được các bệnh thường gặp khi ngồi quá nhiều như: cong vẹo cột sống, béo phì... Các trò chơi này cũng giúp người chơi cách tính toán, nâng cao năng lực hiểu biết cho bản thân. Học sinh còn được trang bị những bài học về thẩm mỹ khi nặn ra một đồ vật, hiểu thêm về cuộc sống nhân sinh và hoạt động sống thường ngày, nhờ đó định hướng, phát triển nhận thức và hành vi cho các em.

Cô Nguyễn Thị Hồi, Tổng phụ trách đội Trường tiểu học Minh Lập cho biết: Qua thời gian dài phổ biến TCDG, tỷ lệ học sinh của trường bỏ tiết chơi game đã giảm hẳn. TCDG đã tạo ra sân chơi lành mạnh, giúp học sinh có cơ hội gặp gỡ và kết bạn. Ngoài ra, việc đưa TCDG lồng ghép vào nội dung giảng dạy cũng làm phong phú thêm các hoạt động ngoại khóa tại trường học, lôi cuốn học sinh tham gia. Những tiết ngoài giờ lên lớp sẽ không còn bó gọn trong các hoạt động, như: kể chuyện cổ tích, hát múa văn nghệ... Từ đó, tạo thêm không gian thư giãn, giúp học sinh “học mà chơi, chơi mà học”.

Giới thiệu và phổ biến TCDG trong trường học là một trong những nội dung của Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tuy nhiên, việc đưa TCDG vào trường học trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Em Kim Ngân chia sẻ: “Tuy thầy cô có phổ biến nhưng em thấy số lượng TCDG còn ít. Hơn nữa, tổ chức TCDG thường bị bó hẹp vào dịp nghỉ hè, lễ,...”. Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hồi nói: “Hiện hầu hết các TCDG chỉ được tổ chức tại buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoài giờ lên lớp với thời gian hạn chế, trong khi nhu cầu được vui chơi của trẻ là vô tận. Ngoài ra, tình trạng thiếu không gian và kinh phí để phục vụ trò chơi cũng là vấn đề cần giải quyết”.

Để phát huy lợi ích TCDG trong môi trường học đường, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ các cấp quản lý giáo dục cùng sự linh động và sáng tạo trong cách tổ chức chương trình ở mỗi trường học. Đồng thời, phải đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt làm cho trò chơi hấp dẫn hơn. Đặc biệt, phải huy động sự tham gia của bậc phụ huynh, đội ngũ thầy, cô giáo trong việc đem lại sức sống mới cho TCDG để vừa mang lại nụ cười hạnh phúc cho tuổi thơ vừa bảo tồn “vốn quý” trong kho tàng văn hóa Việt.

 Thế Tường

  • Từ khóa
85703

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu