Thứ 6, 26/04/2024 08:00:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:08, 24/06/2013 GMT+7

Cần quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất

Thứ 2, 24/06/2013 | 15:08:00 1,594 lượt xem

Điều 15 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về các trường hợp Nhà nước quyết định thu hồi đất. Điều này có 3 khoản, trong đó Khoản 1 có nội dung như sau: 1. Thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội;… Theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc Nhà nước thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là lẽ tất nhiên. Nhưng nếu Nhà nước thu hồi đất cả với trường hợp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì không ổn và thiếu cụ thể, dễ bị lợi dụng để tiêu cực làm thiệt hại cho chủ thể sử dụng đất. Vì vậy, tôi đề xuất là trong điều luật phải quy định lại thật cụ thể: Đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì Nhà nước tiến hành thu hồi theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định. Còn việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì phải phân loại rõ quy mô của từng dự án. Từ đó đưa ra quy định quy mô những dự án loại nào thì Nhà nước tiến hành thu hồi, loại dự án nào thì nhà đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển quyền sử dụng đất thực hiện dự án.

Từ quan điểm trên, tôi đề xuất Khoản 1, Điều này được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: 1. Thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội được thực hiện như sau: Dự án trên 5.000 tỷ đồng hoặc các dự án do Quốc hội phê chuẩn thì Nhà nước tiến hành quy trình thu hồi đất; Các dự án còn lại nhà đầu tư tự thỏa thuận với chủ thể sử dụng đất để nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Tại Điều 74 của Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp 1992) có quy định như sau: …Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Và tại Điều 31 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định: 1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nói tóm lại, trong Hiếp pháp hiện hành và cả trong Dự thảo sử đổi Hiến pháp năm 1992 cũng quy định rõ về việc mọi công dân có quyền giám sát, phản ánh, kiến nghị, đề xuất, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện khi phát hiện các sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước nói chung và trong quản lý sử dụng đất đai nói riêng.

Trong khi đó, tại Khoản 1, Điều 194 về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai ở Dự thảo sử đổi Luật Đất đai lại có quy định như sau: 1. Công dân có quyền phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền thông qua các tổ chức đại diện. Nếu quy định như trên là vi phạm Hiến pháp. Bởi trong thực tế có không ít công dân vì lý do này lý do kia mà họ không tham gia vào bất kỳ một tổ chức đoàn thể nào. Vì thế, họ sẽ không có tổ chức đại diện nên sẽ phải chịu mất đi quyền của mình. Do đó, để đảm bảo quyền cho công dân tôi đề nghị trong nội dung của Khoản 1, Điều 194 cần bổ sung thêm cụm từ “tự mình” vào trước cụm từ “Công dân có quyền” và viết lại khoản này như sau: 1. Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 201 trong Dự thảo sử đổi Luật Đất đai là những quy định về xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về đất đai. Nội dung của điều này như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên vừa dài dòng, vừa rườm rà nhưng lại không đầy đủ. Bởi, vẫn một số hành vi mà trong điều luật này chưa liệt kê đến. Cụ thể như: Các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện việc thế chấp quyền sử dụng đất, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê lại đất... Vì vậy theo tôi, để điều luật vừa ngắn gọn nhưng lại đầy đủ ý nghĩa và dễ hiểu, đễ thực hiện thì Điều 201 cần phải được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật đất đai, thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

KN

  • Từ khóa
8487

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu