Thứ 5, 28/03/2024 21:37:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:48, 10/05/2015 GMT+7

Cần siết chặt dịch vụ trò chơi điện tử

Chủ nhật, 10/05/2015 | 06:48:00 121 lượt xem
BP - Ngày 29-12-2014, Bộ Thông tin - truyền thông đã ban hành Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có hiệu lực từ 12-2-2015. Tại Điều 6 của thông tư này có quy định về việc chơi game online phải cung cấp thông tin cá nhân, với nội dung như sau:

Khi tạo tài khoản sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp, người chơi phải cung cấp những thông tin cá nhân gồm: Họ và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Địa chỉ đăng ký thường trú; Số CMND hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; Số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi và chưa có CMND hoặc hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp của người chơi quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 phải lưu giữ các thông tin cá nhân người chơi trong suốt quá trình người chơi sử dụng dịch vụ và trong 06 (sáu) tháng sau khi người chơi ngừng sử dụng dịch vụ; doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử G1 phải triển khai hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu CMND hoặc hệ thống mã số cá nhân quốc gia theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xác thực thông tin của người chơi.

Đồng thời, thông tư này cũng quy định rõ rằng người chơi được dùng điểm thưởng hoặc đơn vị ảo có trong tài khoản trò chơi điện tử của mình để đổi lấy vật phẩm ảo do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử khởi tạo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.

Ngoài ra, thông tư này cũng quy định cụ thể về trò chơi cho từng lứa tuổi khác nhau, như: Trò chơi điện tử dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu 18+) là trò chơi hoạt động đối kháng có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh khiêu dâm. Trò chơi điện tử dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, ký hiệu 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người. Trò chơi điện tử dành cho mọi lứa tuổi (ký hiệu 00+) là những trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hình ảnh, hoạt động, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người. Và thông tư không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.

Mặc dù pháp luật quy định là vậy, nhưng dạo một vòng quanh thị xã Đồng Xoài sẽ biết rõ những quy định này chỉ là trên giấy. Bởi cơ quan chức năng không thể có đủ người và ngày nào cũng đi kiểm tra. Còn một nguyên nhân nữa là chế tài đối với những hành vi vi phạm này không đủ sức răn đe và còn nhiều chỗ hở. Chính vì vậy, có cơ sở bị rút giấy phép hoạt động ở chỗ này thì họ dời đi chỗ khác và tất nhiên là người đứng tên cũng thay đổi, nhưng người chủ thì vẫn như cũ. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tham mưu cấp có thẩm quyền tăng nặng mức xử phạt, đồng thời mạnh tay rút giấy phép đối với những cơ sở vi phạm.  

H.P

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu