Thứ 6, 29/03/2024 17:44:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:25, 26/02/2019 GMT+7

Cần thể chế hóa hoạt động phản biện xã hội

Thứ 3, 26/02/2019 | 08:25:00 123 lượt xem

BP - Ngày 22-2, Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về thực hiện “Quy chế giám sát và phản biện xã hội (PBXH) của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Số liệu tại hội nghị cho thấy, sau 5 năm thực hiện Quyết định số 217, 218 QĐ/TW, UBMTTQVN các cấp ở địa phương đã tổ chức được 82.865 cuộc PBXH, trong đó UBMTTQVN cấp tỉnh chủ trì phản biện 4.048 cuộc; cấp huyện 15.064 cuộc; cấp xã 63.753 cuộc.

Tại Bình Phước, từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức phản biện 19 dự thảo văn bản; cấp huyện phản biện 84 dự thảo văn bản. Ngoài ra, MTTQ các cấp còn phối hợp tổ chức 621 hội nghị với 36.018 lượt người dự, có 901 ý kiến phát biểu góp ý dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp. Phối hợp tổ chức 112 đợt góp ý đối với 132 văn bản dự thảo luật, pháp lệnh. Riêng năm 2018, MTTQ các cấp đã tổ chức PBXH đối với 7 dự thảo nghị quyết của HĐND, đề án, quyết định của UBND tỉnh, trong đó có nội dung phản biện đối với dự thảo quy hoạch khu Tây Bắc hồ Suối Cam - một dự án lớn, tác động trực tiếp đến quyền lợi của nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Đồng Xoài. Nếu nhìn vào số lượng hội nghị phản biện xã hội do UBMTTQ các cấp thực hiện, trong đó có Bình Phước sẽ thấy khá “hoành tráng”. Tuy nhiên, dư luận và ngay cả những người làm công tác mặt trận cũng cho rằng, hiệu quả thực của công tác PBXH cần được đánh giá một cách khách quan để từ đó phát huy cao nhất vai trò của MTTQ trong xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân.

Những năm gần đây, vấn đề PBXH được nhiều nhà nghiên cứu xã hội học và hoạch định chính sách quan tâm. Vậy đó có phải là một yêu cầu của thực tế khách quan và cần hiểu về PBXH thế nào cho đúng? Để trả lời những câu hỏi này, cần nhìn lại lịch sử Việt Nam thời phong kiến từng có những bậc đại thần đưa ra các bản điều trần mang tính chất đối án. Nhiều vị hoàng đế như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thái Tổ... đã biết lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị, can gián của các bậc đại thần khi giải quyết vấn đề có liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Những vị gián quan, sử quan - chức quan chuyên lo việc can gián đã giúp vua cai quản đất nước minh bạch. Họ thực sự là những người hiểu rộng, có tài kinh bang tế thế và bản lĩnh hơn người.

Kế thừa truyền thống ấy, từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân thông qua các hoạt động phản biện. Tại Đại hội lần thứ X, Đảng ta đã có chủ trương hoàn toàn mới về phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua giám sát, PBXH của MTTQ. Tuy nhiên trong thực tế, hoạt động PBXH còn gặp nhiều khó khăn do chưa được thể chế hóa. Và bởi chưa thể chế hóa nên hoạt động PBXH chưa được thực hiện theo quy trình mang tính pháp quy. Chẳng hạn, MTTQ có trách nhiệm tổ chức PBXH những vấn đề gì? Những chủ trương, chính sách nào nhất thiết phải PBXH... Chính vì những lẽ đó, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217 và 218-QĐ/TW, việc thể chế hóa hoạt động PBXH đã được nhiều đại biểu đề cập. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Có như thế mới phát huy tốt vai trò nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu