Thứ 7, 20/04/2024 11:47:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:08, 17/11/2016 GMT+7

Cần thu hẹp khoảng cách giữa người lao động và doanh nghiệp

Thứ 5, 17/11/2016 | 07:08:00 817 lượt xem
BP - Hiện trên địa bàn tỉnh, nguồn lao động phổ thông, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ ở nông thôn đang cần việc làm rất nhiều. Nhu cầu tuyển dụng lao động của công ty, doanh nghiệp nhất là tại các khu công nghiệp cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, thực tế lại đang tồn tại một khoảng cách giữa người lao động và công ty tuyển dụng nên tỷ lệ lao động tìm được việc thông qua các phiên giao dịch việc làm rất thấp. Phóng viên Báo Bình Phước đã trao đổi với ông Ngô Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh xung quanh vấn đề này.

P.V: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thị trường lao động trong những tháng cuối năm 2016?

Ông Ngô Đình Tuấn: Trong những tháng cuối năm 2016, thị trường tuyển dụng lao động trong nước vẫn luôn sôi động như các năm trước và chủ yếu tập trung vào các ngành may mặc, giày da, gỗ... Mới đây, Công ty New Fashion, Công ty C&K (Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc) chuyên về may mặc cần tuyển khoảng 1.000 lao động nữ, với lương bình quân  4-5 triệu đồng/người/tháng. Để giúp công ty tuyển được lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, trung tâm đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Đăng tải thông tin tuyển dụng trên website của trung tâm, tư vấn qua điện thoại, email và tư vấn trực tiếp tại trung tâm cho lao động tự do và đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, số lao động đến tư vấn, xin việc làm rất ít.

Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm tại Hớn QuảnNgười lao động tham gia phiên giao dịch việc làm tại Hớn Quản

P.V: Đâu là nguyên nhân khiến các công ty không tìm được người lao động, trong khi nhu cầu việc làm của lao động nông thôn vẫn còn nhiều, thưa ông?

Từ đầu năm 2016 đến nay, trung tâm đã tổ chức được 4 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Tham gia các phiên giao dịch có 61 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 14.275 lao động, nhưng chỉ có 3.010 người đến tham gia phiên giao dịch. Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng giữa người lao động và doanh nghiệp chưa tìm được “tiếng nói chung”. Trong số lao động tham gia phiên giao dịch chỉ có 126 người được giới thiệu vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp với mức lương từ 4,5-5 triệu đồng/tháng/người, trong số này có 46 người được giới thiệu đến các công ty xuất khẩu lao động.

Ông Ngô Đình Tuấn: Thực tế hiện nay, người lao động nhất là lao động trẻ nông thôn đang cần việc làm nhiều. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại cơ sở, nhiều người trong số đó đã rời địa phương đi làm ăn nơi khác, số còn lại không tìm được việc làm thích hợp với khả năng của mình. Nhiều người muốn có việc nhưng ngại đi xa và vì chỉ còn vài tháng nữa đến tết cổ truyền nên họ ở lại địa phương làm thuê. Nhiều người không có tác phong công nghiệp và làm việc lâu dài ở xa nên không vào làm công nhân tại các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, điều kiện tuyển dụng của công ty còn khắt khe, đa số người lao động không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều công ty khi tuyển dụng đòi hỏi lao động phải có trình độ, tay nghề. Có công ty giới hạn độ tuổi tuyển dụng chỉ từ 18-35 và chỉ tuyển nữ, trong khi lao động là nam giới có nhu cầu tìm việc làm khá nhiều.

P.V: Cái khó trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Ngô Đình Tuấn: Khó nhất hiện nay là một số người lao động chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu tìm kiếm việc làm. Lao động tìm việc tập trung là nam giới, trong khi các công ty tuyển chủ yếu là nữ. Sự trái chiều trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc làm thể hiện: Người lao động chuyên môn chủ yếu tập trung tìm việc ở các ngành kế toán, lái xe, y tế, văn phòng..., trong khi nhu cầu tuyển dụng lại tập trung ở lĩnh vực kinh doanh, phiên dịch, cơ khí, điện...

Trung tâm còn gặp khó trong tập hợp thanh niên và người lao động có nhu cầu tìm việc làm tại địa phương để tư vấn, giới thiệu việc làm. Vì một số địa bàn, người lao động thiếu thông tin nên họ không biết tìm việc làm ở đâu, đành phải đi làm lao động tự do kiếm sống nên công việc không ổn định.

Phiên giao dịch việc làm lần 2/2016 tổ chức tháng 6-2016 tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao su - Ảnh: Thế TườngPhiên giao dịch việc làm lần 2/2016 tổ chức tháng 6-2016 tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao su - Ảnh: Thế Tường

P.V: Xin ông cho biết trong thời gian tới trung tâm có kế hoạch gì để kết nối người lao động với công ty, doanh nghiệp?

Ông Ngô Đình Tuấn: Thời gian tới, trung tâm sẽ kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông đến từng địa bàn để người lao động nắm bắt thông tin cụ thể. Tăng cường thu thập thông tin người lao động, nắm tình hình thực tế và nhu cầu việc làm của người lao động làm cơ sở kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền trong việc hoạch định các chương trình, dự án về việc làm. Tích cực tổ chức các buổi tư vấn tập trung nhỏ, lẻ tại vùng sâu, xa, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận gần hơn với các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Đối với lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... thì nhà nước nên có chính sách hỗ trợ vay vốn với mức vay cao. Bởi hiện nay, chi phí để có thể xuất khẩu lao động tại các thị trường này dao động từ 100-120 triệu đồng, trong khi tỉnh mới cho vay được khoảng 30 triệu đồng/người. Mức vay này đã hạn chế số người có nguyện vọng tham gia các thị trường lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Hương (thực hiện)

  • Từ khóa
1296

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu