Thứ 5, 25/04/2024 11:12:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:07, 13/04/2016 GMT+7

Cần “thức dậy” thói quen đọc sách

Thứ 4, 13/04/2016 | 09:07:00 117 lượt xem

BP - Văn hóa đọc những năm gần đây đang trở thành đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhiều người cho rằng, văn hóa đọc đang bị mai một và giới trẻ rất thờ ơ với việc đọc sách, báo. Trước tình hình đó, ngày 24-2-2014 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định, lấy ngày 21-4 hằng năm là “Ngày sách Việt Nam”. Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 năm 2016 là hoạt động văn hóa trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông, nằm trong chuỗi chương trình hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021... Tỉnh Bình Phước lần đầu tiên hưởng ứng và tổ chức Ngày sách Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa tỉnh vào ngày 7-4. Trên địa bàn tỉnh hiện đã hoàn chỉnh hệ thống thư viện từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thư viện ở các trường học, tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị và 60 cơ sở phát hành sách. Thế nhưng số người đến các thư viện đọc sách, báo thì chẳng có bao nhiêu; người mua sách về đọc lại càng ít.

Văn hóa đọc cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng đang có nhiều vấn đề đáng bàn. Có người khẳng định đó là “sự xuống cấp” của văn hóa đọc. Nguyên nhân của văn hóa đọc bị xuống cấp thì có rất nhiều, như: bị văn hóa nghe nhìn lấn át, thiếu sách hay, trẻ em không được giáo dục thói quen đọc sách, công tác quản lý xuất bản còn bất cập... Một số người đổ lỗi rằng, thời đại bây giờ có nhiều thứ hấp dẫn hơn, như trò chơi điện tử, internet, các trang mạng xã hội... nên giới trẻ lười đọc sách. Từ thời học sinh, các em không được làm quen với việc đọc sách, báo. Trong gia đình, cha mẹ không thích đọc sách, báo thì con cái sẽ lười đọc là điều dễ hiểu. Vào các hiệu sách, chúng ta có thể thấy sách bây giờ phong phú về chủng loại và được in rất đẹp. Chỉ riêng sách văn học trong nước và cả nước ngoài được xuất bản rất nhiều, đủ loại. Giữa một “rừng sách” đó, sẽ  khó chọn được sách hay, nếu không phải là người thích và có kỹ năng chọn sách để đọc. Ở Bình Phước các hiệu sách không nhiều, chủ yếu tập trung ở thị xã Đồng Xoài, trong đó cửa hàng sách Fahasa tại Siêu thị Co.op Mart là nơi có đầu sách phong phú nhất nhưng người mua cũng rất ít mà chủ yếu chỉ có các cháu thiếu nhi đến đọc truyện tranh. Ngày sách Việt Nam khai mạc ngày 7-4 nhưng 8-4 (thứ bảy) chúng tôi đến Trung tâm Văn hóa tỉnh thì... cửa đóng, then cài!.

Ngày sách Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách. Đọc sách cũng là hình thức tự học, nâng cao kiến thức, phát triển tư duy và rèn luyện nhân cách con người. Ngày sách Việt Nam còn nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.  Vì vậy, không chỉ có “một ngày” mà phải thường xuyên, (nhất là thứ bảy, chủ nhật) các thư viện, trung tâm văn hóa... phải mở cửa để mời gọi, khuyến khích mọi người đến với sách, báo.

Phát triển văn hóa đọc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực. Con đường tốt nhất, ngắn nhất để nâng cao tri thức cho chính mình là tự học và đọc sách, báo hằng ngày. Đọc sách, báo là nuôi dưỡng trí tuệ, làm giàu kiến thức, đúng như lời khuyên của một danh nhân: “Mỗi ngày đọc vài trang sách, khi về già bạn đã có trong mình một thư viện khổng lồ”.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu