Thứ 3, 23/04/2024 14:35:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:37, 28/05/2016 GMT+7

SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Cần tổ chức hội họp hiệu quả, thiết thực

Thứ 7, 28/05/2016 | 15:37:00 1,213 lượt xem
BP - Lâu nay, có rất nhiều cơ quan thường “mượn cớ” tổ chức hội nghị tổng kết hoặc triển khai nhiệm vụ ở tỉnh này, thành phố kia nhưng thực chất là tổ chức đi tham quan, du lịch. Nếu không thì tại sao một cơ quan ở tận Hà Nội lại thuê xe đi hết mấy ngày đường, tỉnh thành nào cũng ghé rồi vào tận Vũng Tàu tổ chức hội nghị tổng kết?

Và không chỉ một địa điểm, năm trước tổ chức ở Mũi Né, năm nay Vũng Tàu, năm tới Nha Trang, năm sau nữa lên Đà Lạt... toàn là những điểm vui chơi, nghỉ dưỡng nổi tiếng. Những cơ quan, đơn vị ở phía Bắc thì có xu hướng tổ chức các sự kiện trong Nam. Ngược lại, những đơn vị phía Nam thì rồng rắn ra Bắc. Đó là những cơ quan, đơn vị có điều kiện. Còn những đơn vị tài chính eo hẹp, không có điều kiện kết hợp đi du lịch thì tổ chức tổng kết theo kiểu hiếu hỷ, liên hoan, “vui là chính”.

Mục đích của việc tổng kết công tác hằng năm là để mọi người cùng biết sau một năm hoặc một chu kỳ, cơ quan, đơn vị làm được những gì, mặt nào tốt thì phát huy, mặt chưa tốt thì rút kinh nghiệm để năm sau làm tốt hơn. Thế nhưng kịch bản tổng kết của các cơ quan, đơn vị khá giống nhau. Giấy mời họp ghi rõ 7 giờ 30 phút nhưng “sàng sảy” đến 8 giờ mới bắt đầu. Trong hội trường bắt đầu phát tài liệu thì bên ngoài cũng bắt đầu hạ bàn tiệc. Hết báo cáo tổng kết (mà phần nhiều là báo cáo thành tích) rồi đến phần tham luận (lại cũng là báo cáo thành tích của đơn vị nhỏ hoặc cá nhân), tuyệt nhiên không có phần thảo luận. Sau ý kiến chỉ đạo của cấp trên là đến phần khen thưởng. Đây chính là phần được chờ đợi nhất của hội nghị tổng kết, bởi hầu hết phòng ban, bộ phận đều được xướng danh và lên nhận khen thưởng, chụp hình lưu niệm với lãnh đạo cấp trên. Từ lãnh đạo đến nhân viên, ai nấy đều hồ hởi, vui vẻ cả. Và bữa tiệc ngoài kia chính là sự kéo dài cái không khí vui vẻ, hồ hởi của hội nghị tổng kết. Vì thế, dường như rất ít hội nghị tổng kết mà không có tiệc.

Ngoài “kịch bản chung” đã nêu, còn có một điểm rất giống nhau ở các hội nghị tổng kết là trong các báo cáo thành tích thường rất chi tiết, được chứng minh bằng các số liệu cụ thể nhưng phần tồn tại, hạn chế lại quá chung chung. Cụm từ “một số” được dùng nhiều lần, ví như tinh thần tự phê bình và phê bình của “một số” cán bộ, đảng viên chưa cao; “một số” bộ phận chưa chủ động, sáng tạo nên hiệu quả công việc còn thấp; “một số” cán bộ, công chức chưa làm hết trách nhiệm; “một số” đồng chí còn vi phạm nội quy, quy chế cơ quan...

Tổ chức hội nghị tổng kết là để đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra quá trình thực hiện nhiệm vụ đã và đang gặp phải khó khăn gì? Khắc phục những khó khăn đó bằng cách nào? Thế nhưng ở nhiều hội nghị, hầu hết ý kiến chung chung, không đụng chạm đến ai, kết thúc hội nghị thì vui vẻ cả làng. Kết quả là những khuyết điểm, tồn tại vẫn còn nguyên đó. Rồi đến kỳ tổng kết sau, sau nữa lại được nhắc lại, vì có ai biết mình, bộ phận mình yếu kém hay vi phạm gì đâu mà sửa!?

Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã có chỉ thị, nghị quyết về thực hành tiết kiệm, cắt giảm các cuộc họp không cần thiết nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều cuộc họp mang tính hình thức và đang diễn ra tại nhiều nơi. Việc tổ chức các hội nghị kiểu này không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phục vụ người dân khi có yêu cầu. Kinh tế đất nước vẫn trong giai đoạn khó khăn, thu nhập của cán bộ, công chức chưa có nhiều cải thiện thì việc tổ chức các cuộc họp sao cho hiệu quả, thiết thực không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị mà còn là trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, giám sát.

Thảo Linh

  • Từ khóa
1955

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu