Thứ 7, 20/04/2024 01:45:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 22:21, 23/03/2016 GMT+7

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Thứ 4, 23/03/2016 | 22:21:00 376 lượt xem
BP - Câu chuyện các loại nông sản, thực phẩm bị phun tẩm quá nhiều loại hóa chất độc hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng dường như đang trở thành nỗi ám ảnh của toàn xã hội.

Có thể thấy thực tế đáng buồn này hoàn toàn đúng khi mà thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật liên tục được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, việc nâng cao kỹ năng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho người nông dân dường như vẫn còn là điều bỏ ngỏ. Bởi điều này hoàn toàn trông chờ vào ý thức của người dân.

Tổ hợp tác rau sạch Bàu Trúc, phường Tân Thiện (Đồng Xoài) thu hoạch rau cảiTổ hợp tác rau sạch Bàu Trúc, phường Tân Thiện (Đồng Xoài) thu hoạch rau cải

Mỗi năm thu sản lượng vài chục tấn cam từ 2 ha nhưng chị Đặng Thị Bích Hạnh ở xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh chưa bao giờ lo hàng bị ế hay dội chợ. Cam của gia đình chị rất được bạn hàng ưa chuộng do trái to, đẹp và chất lượng. Chị cho biết đây là thành quả từ chăm sóc đúng kỹ thuật, kết hợp hài hòa giữa bón phân, tưới nước với sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để vừa bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt lại vừa bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều người ở tận thành phố Hồ Chí Minh cũng tìm tới vườn cam của gia đình chị chỉ để được tận tay hái cam đảm bảo an toàn  và thưởng thức tại vườn. Vườn cam ở đây sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo kế hoạch xoay vòng và luôn có một phần diện tích không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một thời gian dài trước khi thu hoạch.

Chia sẻ về điều này, chị Hạnh nói: “Mình làm vườn nên nếu có xịt thuốc cũng chừa một ít để phục vụ bà con. Nếu mới xịt cắt đi liền, mình còn không dám sử dụng thì ai dám. Cam ở đây mình vẫn hái làm thức uống hằng ngày”. Nhờ vậy vườn cam của gia đình chị Hạnh lúc nào cũng có cam đảm bảo an toàn cung cấp ra thị trường mà không phải lo lắng về tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tìm được nông sản sạch để sử dụng là niềm mong mỏi của tất cả người tiêu dùng. Bởi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đang là tình trạng nhức nhối. Trong khi đó, ngành chức năng không thể kiểm soát tất cả sản lượng các loại nông sản đưa ra thị trường có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không. Do đó, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ trông chờ vào việc kiểm tra mà còn phải nâng cao kỹ năng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho người làm ra sản phẩm. Để khi đó, người làm ra sản phẩm biết tự kiểm soát lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng. Không chạy theo lợi nhuận mà quan tâm đến lợi ích lâu dài là điều mà các nhà vườn cần phải chú trọng.

Ông Trần Văn Đang, hộ dân chuyên trồng rau xanh ở phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài cho biết: “Chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỳ, không phải nay xịt mai bán mà phải cách 14-20 ngày mới hái bán. Lúc rau mới bén rễ thì mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rau lớn là chúng tôi không xịt nữa”.

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu đến 100 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm cả dạng nguyên liệu và thành phẩm. Đây là con số tưởng chừng như chỉ gắn với người nông dân nhưng lại là con số ám ảnh với người tiêu dùng. Hình ảnh chai thuốc bảo vệ thực vật vất chỏng chơ ngoài vườn ruộng rồi sẽ là rào cản để những sản phẩm nông sản không thể tới được tay người tiêu dùng. Vì vậy, bản thân người nông dân phải tự nâng cao nhận thức đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất ra nông sản cung ứng cho thị trường, để những chai thuốc bảo vệ thực vật không còn nỗi lo lắng của người tiêu dùng.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, sản xuất nông nghiệp, người dân phải hướng đến các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đồng thời đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đó là giải pháp cần thiết để hướng tới nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả lâu dài.

Hạ Băng

  • Từ khóa
39607

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu