Thứ 5, 28/03/2024 18:30:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:19, 28/09/2018 GMT+7

Cẩn trọng khi vay tiền online

Thứ 6, 28/09/2018 | 09:19:00 159 lượt xem

BP - Chỉ cần gõ từ khóa “vay tiền online” trên Google, trong 0,49 giây xuất hiện 91,5 triệu kết quả. Hàng loạt trang web cho vay tiền trực tuyến hiện ra, kèm với đó là vô vàn lời quảng cáo hấp dẫn như: “Chỉ cần một cuộc điện thoại là có tiền”, “lãi suất thấp, giải ngân dễ dàng, không cần thế chấp”, “thủ tục vay siêu nhanh”, “vay siêu đơn giản với gần 100% đơn xin vay vốn được chấp nhận”, “giải ngân thần tốc trong vòng 15 phút”... Số tiền được vay từ 2 triệu lên tới gần cả tỷ đồng đang khiến nhiều người dễ bị “cài” mức lãi suất kiểu vay “chợ đen” mà không hề hay biết.

Để tăng thêm độ tin cậy, các trang web luôn kèm thông tin “mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn lượt vay tiền”, “đã có hàng chục ngàn người được giải ngân” hay đăng số lượt được giải ngân lên đến triệu người... Các trang web cho vay thủ tục đơn giản đến bất ngờ. Chỉ cần số điện thoại hay chứng minh nhân dân là có thể vay từ 2 triệu đến 100 triệu đồng mà không cần thế chấp hay gặp mặt. Còn từ 100 đến 500 triệu đồng phải thế chấp nhưng... giải ngân trong 30 phút (!?). Thậm chí một trang web với tên gọi Liên minh ngân hàng có thể cho vay lên tới 900 triệu đồng.

Tuy nhiên, mặt trái của những thủ tục đơn giản, nhận tiền vay nhanh chính là việc lãi suất cho vay cao ngất ngưởng. Qua tìm hiểu cho thấy, lãi suất vay trực tuyến khoảng 1-1,2%/ngày, tương đương lên tới 365-438%/năm, tùy hạn mức vay. Nếu vay 2 triệu đồng trong 1 tháng, lãi suất sẽ là 1%/ngày. Vậy là sau 30 ngày, số tiền cả gốc và lãi khách hàng phải thanh toán là 2,6 triệu đồng. Còn vay 10 triệu đồng lãi suất 39%/tháng, tương đương 468%/năm, đồng nghĩa sau 1 tháng khách hàng phải trả cả lãi lẫn gốc 13,9 triệu đồng. Biến tướng khác để lách luật hoặc “móc túi” thêm của khách hàng còn ở việc thu “phí dịch vụ” hay “phí quản lý”. Có website cho vay trực tuyến áp dụng mức phí quản lý khoản vay lên đến 2%/ngày, tính ra mỗi tháng lên đến 60% và 12 tháng là 720%. Về bản chất, vay tiền trực tuyến hiện là hoạt động cho vay “nóng”, tín dụng “đen” và nhờ công nghệ số mà hình thức vay nặng lãi có điều kiện mở rộng khả năng kết nối, lôi kéo nhiều đối tượng tham gia hơn. Khi người vay nhận ra lãi suất “cắt cổ” thì đã muộn và vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” thanh lý hợp đồng. Đừng nghĩ tới chuyện “xù nợ” nếu không muốn gặp rắc rối. Bởi đằng sau các dịch vụ cho vay luôn có sẵn “luật” đòi nợ đi kèm. Dân lao động nghèo, sinh viên... càng dễ vướng vào tình trạng khốn khổ khi lãi mẹ đẻ lãi con vì không trả nợ đúng hạn, phát sinh rất nhiều hệ lụy khác...

Để quản lý nhà nước về đòi nợ thuê, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2007/NĐ-CP. Nghị định quy định cụ thể điều kiện, hoạt động được làm của các doanh nghiệp có ngành nghề đăng ký là đòi nợ thuê. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 110/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bộ Công an cũng có Thông tư số 33/2010/TT-BCA hướng dẫn về các điều kiện về trật tự an ninh và trách nhiệm của công an cơ sở trong các hoạt động đòi nợ thuê. Nhưng thực tế, hoạt động đòi nợ thuê thường vượt ra ngoài luật, thậm chí vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương vẫn rất khó xử lý.

Để bảo vệ mình, không sa chân vào “vũng lầy” vay tín dụng online với lời chào mời ngon ngọt, hấp dẫn, mọi người cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia. Bởi vay 1 phải trả gấp 5-7 lần nhưng không cơ quan nào có thể hỗ trợ khi chính họ đã ký vào hợp đồng: Bút sa gà chết!

An Nhiên

  • Từ khóa
108964

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu