Thứ 6, 26/04/2024 16:14:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:46, 26/02/2015 GMT+7

Cần viết đúng cụm từ “những mẩu chuyện về Bác Hồ”

Thứ 5, 26/02/2015 | 07:46:00 10,182 lượt xem
BP - Biết tôi viết bài về cảm nhận của mình sau khi đọc “những mẩu chuyện về Bác Hồ”, một đồng nghiệp khăng khăng khẳng định phải viết là “những mẫu chuyện về Bác Hồ” mới đúng và giải thích: Chữ mẫu trong trường hợp này có nghĩa là những câu chuyện mẫu, những câu chuyện làm hình mẫu cho mọi người noi theo.

Trong phòng 9 người, có đủ quê quán 3 miền Bắc - Trung - Nam và cũng chia làm 3 nhóm quan điểm khác nhau. Hai nhóm “bảo thủ” với quan điểm của mình, một nhóm dao động không biết dùng từ nào mới đúng. Đồng nghiệp của tôi lập tức ngồi vào máy tính hỏi “giáo sư Google”. Sau khoảng 2 phút, đồng nghiệp của tôi nói với vẻ rất tự tin và lạnh lùng: “Ông đến đây mà xem trên mạng người ta viết như thế nào”. Tôi một thoáng giật mình. Kết quả tìm kiếm trên Google hai cụm từ “những mẩu chuyện về Bác Hồ” và “những mẫu chuyện về Bác Hồ”, sau 0,33 giây cho ra 1,14 và 1,16 triệu kết quả. Và thật đáng tiếc là trang đầu tiên (mỗi trang 10 kết quả) của cả hai cụm từ tìm kiếm đều cho ra kết quả chỉ có duy nhất 1 trường hợp viết “mẩu”, 9 trường hợp còn lại viết “mẫu” ngay trên tiêu đề các bài viết. Mất khoảng 30 giây dường như không tin vào mắt mình, tôi tiếp tục xem trang thứ 2, trang thứ 3 trường hợp dùng “mẩu” mới tăng dần, nhưng vẫn đan xen cả “mẩu”, “mẫu” và phải đến những trang thứ 5 thì mới... cân bằng nhau.

Thế nhưng, khi kiểm tra kỹ lại, mở các đường dẫn lên, hóa ra những bài viết dùng “mẫu” đều là trên trang thông tin điện tử của các tổ chức đoàn thể ở miền Trung và miền Nam - hai khu vực có nhiều người viết nhầm lẫn dấu hỏi với dấu ngã, cá biệt có trang web của một số cơ quan báo chí cũng viết sai ngay trên tiêu đề bài viết. Còn trên sách, rất hiếm trường hợp viết “mẫu”.

Theo từ điển tiếng Việt thông dụng do giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm từ điển học, NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2009: “Mẩu” là phần rất nhỏ còn lại hoặc bị tách rời từ một vật hoặc một chỉnh thể nào đó. “Mẫu” nghĩa thứ nhất là cái theo đó có thể tạo ra hàng loạt những cái khác cùng một kiểu, nghĩa thứ hai là cái có thể cho người ta hiểu biết về hàng loạt những cái khác cùng một kiểu...

Những mẩu chuyện về Bác Hồ là những câu chuyện ngắn về Bác Hồ, hầu hết do những người sống và làm việc bên cạnh Bác kể lại, hoặc những ai từng vinh dự được tiếp xúc với Bác, để lại ấn tượng và bài học sâu sắc trong những tình huống nhất định kể lại, ghi chép lại. Cuộc đời của Bác có hàng ngàn câu chuyện nho nhỏ nhưng rất sâu sắc và ý nghĩa được mọi người ghi chép lại hoặc khắc ghi trong tâm trí. Và hàng trăm hàng ngàn câu chuyện ấy không câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Mỗi câu chuyện là một bài học. Những câu chuyện - mẩu chuyện về Bác, của một vĩ nhân nào hay của một ai đó trong cuộc sống, nhân loại rút ra bài học từ nội dung, ý nghĩa trong đó, chứ không thể là một khuôn mẫu nhân bản ra những câu chuyện khác tương tự và không thể lặp lại với bất kỳ ai.

Qua trường hợp này, hy vọng không còn trường hợp hiểu sai và viết sai như vậy nữa, đồng thời mỗi người sẽ thận trọng hơn khi tra cứu thông tin trên internet.

Trần Phương

  • Từ khóa
108470

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu