Thứ 7, 20/04/2024 15:12:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:07, 18/04/2015 GMT+7

Cần xử lý nghiêm hành vi chôn chất thải trái phép ở Nha Bích

Thứ 7, 18/04/2015 | 14:07:00 205 lượt xem
BP - Người dân ấp 3, xã Nha Bích (Chơn Thành) đang đối mặt với ô nhiễm môi trường từ việc chôn lấp chất thải trong vườn cao su. Mặc dù chính quyền xã đã đến hiện trường kiểm tra và người đại diện, quản lý việc chôn lấp chất thải đã làm bản cam kết ngưng hoạt động, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng sự việc vẫn tiếp diễn…

Ngang nhiên chôn lấp chất thải

Gần 1 tháng nay ở ấp 3, xã Nha Bích xuất hiện tình trạng một số người đưa xe múc đến đào hố chôn lấp chất thải có màu đen, bốc mùi hôi nồng nặc. Theo phản ánh của người dân sống xung quanh, mỗi ngày có 2-3 xe, chở từ 20-30 tấn chất thải từ nơi khác về đây chôn lấp. Xe múc thường trực tại khu vực chôn lấp để đào hố chứa chất thải và lấp đất trả lại mặt bằng nhằm “qua mặt” chính quyền và nhân dân nơi đây. Xe múc đào các hố sâu khoảng 3m, miệng hố rộng rộng khoảng 18m2 để chứa chất thải. Việc chôn lấp diễn ra vào ban ngày, xung quanh có người quản lý, trông coi, sẵn sàng ngăn cản khi có người lạ đi vào khu vực.

Chất thải màu đen, có mùi hôi nồng nặc được đổ xuống các hố đã đào sẵn ở Nha Bích

Ông Đinh Văn Nhung, Trưởng ấp 3 cho biết: “Sau gần 10 ngày diễn ra sự việc chúng tôi mới biết. Nguyên nhân là do xung quanh khu vực chôn lấp dân cư sống thưa thớt và thường đi làm vào ban ngày. Đối tượng thực hiện chôn lấp cũng không khai báo tạm trú tạm vắng. Được người dân tố cáo, chúng tôi đã báo ngay lên UBND xã và UBND xã đã cử cán bộ xuống hiện trường xử lý vụ việc. Mặc dù chính quyền xã đã yêu cầu đình chỉ việc chôn lấp từ ngày 27-3-2015 nhưng sau đó vụ việc vẫn tái diễn”.

“Từ khi sự việc bị phát hiện tôi mới chú ý theo dõi và nhận thấy, mỗi khi có xe tải đưa chất thải xuống hố, mùi hôi bốc ra rất khó chịu. Người dân sống quanh khu vực cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Nhà tôi cách nơi chôn chất thải khoảng 2km theo đường chim bay, nhưng mỗi khi gió thổi theo hướng từ bãi chôn lấp về đều thấy có mùi hôi và khét. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, người dân ở đây sẽ phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường. Về lâu dài có thể tác động xấu đến nguồn nước. Nếu đây là chất thải nguy hại, mưa xuống sẽ ngấm vào lòng đất, ảnh hưởng trực tiếp đến mạch nước ngầm, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân” - ông Đinh Văn Nhung bức xúc.

“Tôi xin cam kết xe tôi chở là bã mì để ủ làm phân bón cao su. Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Văn Bằng cam kết

Biên bản đình chỉ việc múc đất làm hố chứa chất thải tại ấp 3 của UBND xã Nha Bích lập ngày 27-3 nêu rõ: “Hiện trạng phần đất gồm có 2 hố đã được múc, diện tích mỗi hố dài 6m, rộng 3m, sâu 3m do ông Nguyễn Văn Bằng (ngụ xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), chủ xe múc thực hiện việc múc đất tạo thành hầm trên. Nay chúng tôi yêu cầu ông Nguyễn Văn Bằng ngừng ngay việc múc hố để đổ chất thải, chờ tới lúc có ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép”.

Ông Lê Đức Ngọc, cán bộ địa chính - môi trường xã Nha Bích cho biết: Theo trích lục bản đồ mới nhất của xã, khu vực các đối tượng chôn lấp chất thải được thực hiện trong phần đất trồng cao su thuộc chủ quyền của ông Châu Vũ Minh, ngụ tại khu phố 6, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành).

Chất thải được chôn lấp tại vườn cao su có màu đen, mùi hôi nặng. Người dân nghi ngờ đây chính là chất thải từ hoạt động công nghiệp. Trong khi đó, ông Bằng và lãnh đạo xã lại đưa ra cam kết và khẳng định trái ngược nhau.

Nhiều câu hỏi cần được trả lời

Từ sự việc cho thấy, nếu chất thải được chôn lấp trong vườn cao su thuộc loại độc hại thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong ấp mà còn có nguy cơ tác động xấu đến nguồn nước và việc nuôi trồng thủy sản. Bởi khu đất chôn lấp nằm sát suối Cạn và gần hồ thủy lợi Phước Hòa. Về lâu dài chất thải sẽ thấm vào lòng đất, theo nguồn nước chảy ra suối vào hồ chứa. Thời gian qua, thủy sản trên hồ Phước Hòa đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân trong khu vực. Khi vụ việc xảy ra, mọi người rất lo ngại chất thải sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng thủy sản.

Khu vực chôn lấp chất thải ngay cạnh suối Cạn khi được san lấp trả lại mặt bằng

Ông Tuấn cũng cho biết, trước đây đã có trường hợp một xe tải chở chất thải đến đổ ở khu vực đất trống thuộc ấp 1, xã Nha Bích nhưng bị người dân phát hiện kịp thời và tạo áp lực buộc xe tải phải đưa đi nơi khác.

“Chúng tôi đã cử đoàn cán bộ xuống đình chỉ hoạt động chôn lấp chất thải. Trước mắt, xã chưa thể xác định được chất thải là loại gì. Tuy nhiên, ông Bằng nói đây là bã mì thì không thuyết phục. Bởi bã mì là nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn gia súc và có mùi hoàn toàn khác so với chất thải đã chôn lấp”.

Ông Thiệu Hồng Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Nha Bích

Vấn đề đặt ra ở đây là: Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác định rõ những gì đã được chôn tại ấp 3, xã Nha Bích và ảnh hưởng như thế nào đối với môi trường, cuộc sống của người dân? Đó là bã mì như cam kết của ông Bằng hay là chất thải nguy hại? Nếu là chất thải nguy hại thì phải xử lý như thế nào?

Mặt khác, chính quyền xã Nha Bích, huyện Chơn Thành cần sớm làm rõ việc chôn lấp trong vườn cao su là chôn trộm hay có sự đồng ý của ông Minh? Nếu ông Minh đồng ý thì có biết những gì đã được chôn trong vườn cao su nhà mình? Và vì mục đích gì mà ông Minh đồng ý cho chôn lấp? Việc quản lý chất thải trên địa bàn huyện Chơn Thành - trung tâm công nghiệp của tỉnh - thời gian qua đã thực hiện như thế nào?...

Mong rằng những điều này sẽ sớm được các đơn vị chức năng làm sáng tỏ.

Theo các khoản 1, 2, Điều 49, Luật bảo vệ môi trường, các hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường được quy định như sau:

Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm còn bị xử lý bằng một trong các biện pháp sau: Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường. Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường. Cấm hoạt động.

PVKT

  • Từ khóa
94939

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu