Thứ 6, 29/03/2024 06:59:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 23:04, 30/08/2013 GMT+7

Bộ luật Dân sự 2005: Nhiều quy định không còn phù hợp

Thứ 6, 30/08/2013 | 23:04:00 3,525 lượt xem

Qua 7 năm đi vào cuộc sống, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định trong Bộ luật dân sự 2005 đã bộc lộ hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có những quy định không được cụ thể, rõ ràng, chưa tương thích với khu vực cũng như trên thế giới, nhất là những quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên - Đánh giá của UBND tỉnh tại buổi tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự 2005 trên địa bàn Bình Phước giai đoạn 2006-2012, diễn ra sáng nay 30-8.


Các đại biểu về dự tổng kết

Những bất cập, hạn chế trong của Bộ luật Dân sự 2005 được tổng kết, đánh giá và nêu cụ thể trong từng điều khoản, gồm các quy định về 15 vấn đề: Việc áp dụng tập quán trong các quan hệ dân sự. Bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân. Giám hộ. Hộ gia đình. Hình thức của giao dịch, những loại giao dịch phải thể hiện bằng văn bản, công chứng, đăng ký. Các loại thời hiệu, cách tính thời hiệu. Quan hệ láng giềng và quyền sử dụng bất động sản liền kề. Các quy định về cầm cố, thế chấp. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Vai trò của yếu tố lỗi trong quan hệ hợp đồng và vai trò của yếu tố có lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Căn cứ để hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng và hậu quả pháp lý. Hợp đồng vay tài sản, hợp đồng ủy quyền. Bồi thường thiệt hại cho cộng đồng. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Di chúc của vợ chồng.

Ví dụ: Điều 265 Bộ luật Dân sự quy định ranh giới giữa các bất động sản liền kề cũng có thể xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Như vậy, nếu vừa thỏa mãn cả điều kiện có tập quán điều chỉnh và có cả điều kiện có ranh giới tồn tại từ 30 năm trở lên không có tranh chấp, nhưng kết quả giải quyết theo hai căn cứ này hoàn toàn trái ngược thì sẽ áp dụng theo căn cứ nào?

Ví dụ: Hiện nay tình trạng xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân xảy ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương trong cả nước, nhất là thời kỳ hệ thống thông tin truyền thông phát triển như hiện nay tình trạng xâm phạm quyền nhân thân ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các quy định về quyền nhân thân hiện vẫn chưa được quy định rõ ràng trong Bộ luật Dân sự 2005, khái niệm về quyền nhân thân vẫn chưa được hiểu một cách thống nhất.

Qua thực tiễn còn nảy sinh mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa quy định của Bộ luật Dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở; thực tiễn giao lưu dân sự chưa được pháp luật quy định và điều chỉnh.

Ví dụ: Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu. Luật nhà ở lại quy định quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng, bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ở kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng…

Tại buổi tổng kết, UBND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất định hướng cơ bản nhằm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự 4 vấn đề:

Hoàn thiện các quy định phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tương thích với các quy định của luật pháp quốc tế. Bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp với quan hệ xã hội hiện nay.

Xây dựng đội ngũ chuyên gia đóng góp ý kiến, xây dựng và hoàn thiện Bộ luật Dân sự sát với thực tiễn cuộc sống.

Đầu tư tài chính hợp lý, kịp thời cho công tác hoàn thiện, pháp điển hóa pháp luật dân sự.

Xây dựng, hoàn thiện phải gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để bảo đảm Bộ luật Dân sự được đưa vào cuộc sống.

T.P

  • Từ khóa
23434

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu