Thứ 4, 24/04/2024 13:23:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:30, 18/10/2017 GMT+7

Cảnh giác với nạn lừa đảo bán sách

Thứ 4, 18/10/2017 | 06:30:00 453 lượt xem

BP - Thời gian qua, ở huyện Hớn Quản xảy ra tình trạng các đối tượng gọi đến số điện thoại di động của lãnh đạo một số hội, đoàn thể chào bán sách nghiệp vụ, hay bán sách gia phả dòng họ, gây nhiều phiền hà, bức xúc trong dư luận.

LỢI DỤNG DANH NGHĨA LĐLĐ

Vừa qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hớn Quản nhận được phản ánh từ Công ty TNHH KuMo Việt Nam, đóng trên địa bàn ấp 7, xã Tân Khai và Trường THCS Tân Quan, xã Tân Quan về việc có người gọi điện thoại đến nói là theo sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh, huyện đề nghị các đơn vị này mua sách hướng dẫn về nghiệp vụ công đoàn. Trước tình hình đó, LĐLĐ huyện đã nhắc nhở công đoàn cơ sở lưu ý: LĐLĐ các cấp không có văn bản chỉ đạo nào về việc mua sách nghiệp vụ. Nếu có chủ trương mua sách nghiệp vụ, huyện sẽ trực tiếp mua và giao công đoàn cơ sở. Chính Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Trương Thị Ngọc Linh từng nhận được điện thoại của một người giới thiệu đang công tác ở LĐLĐ tỉnh mời mua cuốn sách về nghiệp vụ công đoàn. Biết là lừa đảo nên bà Linh không nhận lời mua sách. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo hội, đoàn thể ở Hớn Quản từng tiếp xúc kiểu giới thiệu bán sách với thủ đoạn xưng danh là đơn vị này, cấp kia nhằm tạo uy tín, niềm tin với người mua. Ông Phạm Quốc Vương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hớn Quản cho biết: “Các cơ sở hội thường điện thoại lên Huyện hội để xác minh có việc cấp trên đề nghị mua sách hướng dẫn về nghiệp vụ công tác hội hay không. Vì ở cơ sở, các đối tượng thường đến chào mời sách trên danh nghĩa hội cấp trên. Chúng tôi luôn nhắc nhở cơ sở không mua bất cứ sách nào từ những lời giới thiệu kiểu như vậy”.

Người dân chọn mua sách tại quầy giảm giá ở Ngày hội sách Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (ảnh minh họa) - Ảnh: T. Ly

CHÀO MỜI MUA GIA PHẢ DÒNG HỌ

Không riêng gì đại diện tổ chức, bà Trương Thị Ngọc Linh cũng từng nhận cuộc gọi của một người xưng họ Trương, nói chuyện với thái độ gần gũi, thân quen nhằm mục đích giới thiệu mua sách gia phả họ Trương. Hay ông Bùi Đình Lợi, Chủ tịch LĐLĐ huyện nhận cuộc điện thoại của một người tự xưng là đại diện ban liên lạc họ Bùi ở phía Nam tổ chức biểu dương những cá nhân họ Bùi tiêu biểu và ông Lợi là một trong 62 người được vinh danh. Sau đó, người này đề nghị ông Lợi đăng ký họp mặt tại TP. Hồ Chí Minh và mua gia phả họ Bùi. Ông Lợi từ chối và trả lời khéo rằng mình không phải họ Bùi, không công tác ở huyện Hớn Quản, mà sống ở một huyện biên giới xa xôi, bận việc vườn rẫy. Đối tượng lập tức thay đổi thái độ, thậm chí dùng lời khiếm nhã, thô lỗ xúc phạm, trái ngược thái độ gần gũi ban đầu.

Cuốn sách đối tượng lừa đảo chào mời bán cho ông X

Giấy mời dự hội thảo gia phả họ Phạm tại khách sạn Bom Bo (Đồng Xoài) kẹp trong cuốn sách bán cho ông X

Một cuốn sách bán với giá vài trăm ngàn đồng, đối tượng sẵn sàng gọi điện đến nửa tiếng đồng hồ để chào mời, giới thiệu.Với những cái “bẫy” giăng sẵn nên thực tế có cá nhân đã tin tưởng và mua sách. Ông P.Q.X ở Hớn Quản nhận được điện thoại thông báo ông là người vinh dự được mời tham gia hội thảo về cuốn gia phả họ Phạm sẽ được tổ chức tại khách sạn Bom Bo (Đồng Xoài) vào ngày 8-10 và phải mua cuốn gia phả dòng họ Phạm. Chúng dùng những lời lẽ ngon ngọt như: “Giấy mời dự tiệc để trong cuốn gia phả. Ngày 8-10 sẽ có xe tại cổng UBND huyện đưa đón ông đến khách sạn Bom Bo để dự tiệc và có quà mang về”. Lần đầu chào mời không thành, lần thứ hai chúng gọi điện đến, ông X trả lời nước đôi “để xem sao đã”. Chỉ từ câu trả lời đó, sau đó vài ngày có người mang sách tới. Sau 2 lần từ chối mua, nhân viên bán sách tiếp tục điện thoại lại thuyết phục ông X với lời lẽ hoa mỹ, cuốn hút. Ông X đồng ý mua cuốn sách với giá 400 ngàn đồng. Như vậy, sau 3 lần gọi điện, 2 lần mang sách tới, các đối tượng đã đạt mục đích. Khi mở bưu phẩm ra, ông X không thấy gia phả họ Phạm, cũng không thấy thông tin liên quan đến họ của mình. Tờ giấy mời có nội dung dự buổi gặp mặt những người con trong dòng họ mà không có thời gian, địa điểm, chữ ký. Bực bội, ông X điện thoại lại số nhân viên tư vấn nhưng không liên lạc được nữa. Cuốn sách ông X mua chỉ có nội dung hướng dẫn ghi chép gia phả, phong tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Ông X ấm ức: “Tôi không tiếc 400 ngàn đồng, nhưng rất bức xúc vì bị lừa”.

Thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động kinh doanh này nhằm đánh vào tâm lý đề cao vai trò của người mua, sự nhẹ dạ, cả tin, hoặc tò mò của đối tượng để chúng kiếm lợi từ việc bán sách. Ở đây chưa bàn đến chênh lệch giá trị sách các đối tượng bán cho người mua như thế nào so với giá thị trường nhưng rõ ràng đây là hành vi lừa đảo có chủ đích, tính toán từ trước. Thế nhưng, đằng sau việc lừa đảo bán sách, vấn đề ông X, ông Lợi cũng như nhiều cá nhân từng gặp trường hợp như vậy ở Hớn Quản, băn khoăn là làm sao đối tượng biết rõ tên, chức vụ, số điện thoại cá nhân để liên lạc, giới thiệu, chào mời. Vụ việc xảy ra ở Hớn Quản là thông tin để các địa phương, tổ chức, cá nhân đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn tương tự.

Thanh Mai

  • Từ khóa
59753

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu