Thứ 7, 20/04/2024 20:05:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 13:59, 31/03/2016 GMT+7

Carl Gustav Emil Mannerheim - Thống chế Phần Lan

Thứ 5, 31/03/2016 | 13:59:00 510 lượt xem
BP - Mannerheim sinh năm 1867 trong gia đình quý tộc tại Villnas. Lúc này, Phần Lan là một bộ phận thuộc đế quốc phong kiến Nga nên khi trưởng thành, ông đi lính trong một đơn vị kỵ binh của Nga hoàng. Trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905) đã cho Trung úy kỵ binh Mannerheim nhiều bài học quan trọng về binh nghiệp. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Mannerheim đã là Trung tướng quân đội đế quốc Nga chỉ huy một binh đoàn chống lại người Đức.

Cách mạng tháng 10 Nga thành công, Phần Lan được độc lập và Mannerheim tiếp nhận quyền chỉ huy lực lượng Bạch vệ tấn công phía tây Phần Lan để thống nhất đất nước. Cùng thời gian này, người Đức tham chiến và chiếm lĩnh được thủ đô Helsinki. Mannerheim cho quân cắt đứt đường tiếp tế của quân địch, buộc người Đức phải rút khỏi Phần Lan vào tháng 4-1918. Cuối năm này, Mannerheim được Hoàng gia Phần Lan phong làm nhiếp chính, đồng thời chỉ huy quân đội giải phóng đất nước thoát khỏi sự xâm lược của ngoại bang. Bằng tài thao lược của mình, Mannerheim đã chỉ huy quân đội giành độc lập và xây dựng nên nước Cộng hòa Phần Lan vào tháng 7-1919. Sau khi nước Cộng hòa Phần Lan được thành lập, ông giao quyền điều hành đất nước cho chính phủ để xin về nghỉ hưu sớm.

Năm 1931, khi Mannerheim 60 tuổi thì tình hình châu Âu phát sinh nhiều bất ổn, Chính phủ Phần Lan triệu tập ông trở lại chính trường và giao chức Chủ tịch Bộ Quốc phòng để đối phó với tình hình mới. 8 năm sau, Mannerheim xây dựng quân đội Phần Lan trở thành đội quân chính quy, huấn luyện kỹ, trang bị hiện đại. Ông xây dựng biên giới quốc gia thành một hệ thống phòng thủ vững chắc, nhiều căn cứ chiến lược được hình thành trong cả nước...

Khi phát xít Đức tấn công Liên Xô vào năm 1941, Chính phủ Phần Lan cấu kết với Đức và chấp nhận làm hậu cứ cho quân phát xít. Mannerheim phản đối việc Phần Lan theo Đức đánh Liên Xô, nhưng cũng không ủng hộ sự hiện diện của người Nga trên đất Phần Lan. Để ru ngủ Mannerheim, Đức yêu cầu Phần Lan phong cho ông hàm Nguyên soái lục quân và lệnh tấn công vào thành phố Leningrad. Mannerheim không đồng ý đánh vào lãnh thổ Liên Xô, người Đức tạm thời cho ông dưỡng quân. Năm 1944, nhận thấy người Đức thua đau khi đối đầu với Liên Xô, Mannerheim bí mật ký điều ước hòa bình với người Nga. Để thể hiện thiện chí của mình, tháng 4 cùng năm, Mannerheim phát động chiến dịch đánh người Đức và nhanh chóng giải phóng Phần Lan. Sau khi đất nước được giải phóng, cùng với sự giúp sức của Liên Xô, Mannerheim trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Phần Lan. Trên cương vị tổng thống, ông đã xây dựng mối quan hệ hài hòa, cân bằng giữa phía đông và tây. Năm 1946, ông nghỉ hưu lần thứ hai vì sức khỏe yếu, ông mất năm 1951, thọ 83 tuổi.

Lịch sử quân sự thế giới đánh giá ông là vị tướng có tài thao lược trên chiến trường, là nhà chính trị sáng suốt của Phần Lan trong thế kỷ XX. Ông được nhân dân Phần Lan xem như vị anh hùng dân tộc. Cũng nhờ tài năng của ông mà Phần Lan không bị hủy diệt như nhiều quốc gia châu Âu khác trong đại chiến thế giới lần thứ 2. Những di sản do Mannerheim để lại hiện vẫn còn nguyên giá trị đối với nhân dân Phần Lan.

Tấn Phong

  • Từ khóa
66329

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu