Thứ 5, 18/04/2024 13:37:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:59, 12/01/2019 GMT+7

Cắt giảm nhân viên cấp dưỡng, trường mầm non công lập gặp khó

Thứ 7, 12/01/2019 | 08:59:00 9,259 lượt xem
BP - Ngay sau khi thực hiện việc cắt giảm nhân viên hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 68), 2 trường mầm non Hoa Hồng và Hoa Đào của thành phố Đồng Xoài phải tiếp tục hợp đồng lại số nhân viên này để duy trì việc nấu ăn phục vụ nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, hình thức thuê khoán và nguồn kinh phí chi trả thế nào đang là vấn đề không chỉ ban giám hiệu các trường, ngành giáo dục mà cả chính quyền thành phố quan tâm.

Cắt hết nhân viên cấp dưỡng theo Hợp đồng 68

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT thành phố Đồng Xoài, đến ngày 1-11-2018, ngành GD-ĐT thành phố đã cắt giảm 91/222 nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68, hiện còn 131 người. Đặc biệt, 2 trường mầm non Hoa Hồng và Hoa Đào đã cắt toàn bộ 26 nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68, trong đó có 19 nhân viên cấp dưỡng và 7 người làm nhiệm vụ bảo vệ, điện nước, tạp vụ.

Cô và trò Trường mầm non Hoa Sen (Đồng Xoài) sinh hoạt giữa giờ - Ảnh: Đức Hinh

Tuy nhiên, đến nay Phòng GD-ĐT và các trường học trên địa bàn thành phố vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kinh phí thuê khoán lao động sau khi cắt, giảm nhân viên hợp đồng 68. Trong khi đó, do đặc thù các trường mầm non phải tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường (tổ chức cho trẻ được ăn, nghỉ tại trường), nếu không có nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ thì không thể tổ chức được hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ và ảnh hưởng lớn đến việc gửi con, em của các bậc phụ huynh.

Do đã cắt hết hợp đồng 68 đối với nhân viên cấp dưỡng, nên từ đầu tháng 11-2018 đến nay Phòng GD-ĐT và ban giám hiệu 2 trường mầm non Hoa Đào, Hoa Hồng đã xin ý kiến của UBND thành phố tiếp tục cho trường hợp đồng lại số nhân viên cấp dưỡng trường đã cho nghỉ việc nhằm duy trì ổn định hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Ngân sách chi trả hay xã hội hóa?

Theo quy định tại Quyết định số 999 ngày 10-4-2018 của Tỉnh ủy, sau khi cắt giảm nhân viên lao động theo hợp đồng 68, các đơn vị sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí trong tổng kinh phí trả lương và các khoản thu nhập khác cho số nhân viên hợp đồng 68 đã nghỉ việc do cắt, giảm để hợp đồng lao động theo hình thức thuê khoán hoặc hợp đồng công việc, 50% kinh phí còn lại sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa hoặc giảm bớt người lao động theo tinh thần tinh giản biên chế. Tuy nhiên, đến nay bước sang đầu năm 2019 nhưng tỉnh và thành phố Đồng Xoài vẫn chưa có văn bản chỉ đạo hướng dẫn, bố trí kinh phí để các trường chi trả cho nhân viên hợp đồng hoặc làm cơ sở để thu của phụ huynh theo hình thức xã hội hóa.

Nhân viên cấp dưỡng Trường mầm non Hoa Hồng, thành phố Đồng Xoài chuẩn bị bữa trưa cho trẻ

Trường đã kêu gọi một số công ty, cơ sở chế biến và cung cấp suất ăn tại Bình Dương đến tham quan quy trình nấu ăn, nuôi dưỡng trẻ tại trường và đặt vấn đề cung cấp suất ăn cho trẻ. Tuy nhiên, các đơn vị này cho biết họ chỉ mới cung cấp suất ăn cho học sinh tiểu học trở lên và công nhân các khu công nghiệp, còn trẻ mầm non thì chưa. Bởi khẩu phần ăn của trẻ mầm non rất khó và lại ăn nhiều bữa trong ngày. Qua khảo sát thực tế, các cơ sở, công ty chế biến, cung cấp suất ăn đưa ra mức giá khoảng 40.000 đồng/suất/trẻ/ngày. Trong khi hiện các trường mầm non công lập của thành phố đang duy trì mức ăn 26.000 đồng/suất/trẻ/ngày, gồm 4 bữa: ăn sáng, ăn trưa, ăn xế và uống sữa. Nhưng vấn đề trường quan tâm nhất vẫn là vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mô hình đang thực hiện từ trước tới nay thì Ban giám hiệu, hội cha mẹ học sinh giám sát được khâu cung cấp thực phẩm cũng như quy trình chế biến. Còn nếu cung cấp suất ăn thì rất khó trong việc kiểm tra.

Bùi Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng cho biết.

Giải quyết những vướng mắc nêu trên, trong tháng 12-2018, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài Lê Trường Sơn yêu cầu 2 trường mầm non Hoa Hồng và Hoa Đào tiếp tục duy trì việc tổ chức bán trú cho học sinh, cụ thể là duy trì nhà bếp và tổ chức nấu ăn tại trường cho học sinh. Các phòng Nội vụ, Tài chính và Kế hoạch sao lục văn bản của Sở Tài chính gửi các trường và hướng dẫn các trường thực hiện để chi trả cho nhân viên hợp đồng đến khi có giải pháp mới hoặc quy định mới. Trong đó, ưu tiên bố trí nhân viên cấp dưỡng và bảo vệ. UBND thành phố sẽ xem xét bổ sung phần kinh phí phát sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo tính ổn định lâu dài và thực hiện đúng mục tiêu tinh giản biên chế, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trường Sơn đề nghị Phòng GD-ĐT lập phương án xã hội hóa việc nuôi dưỡng trẻ tại trường mầm non công lập hoặc phương án đấu thầu bếp ăn tại trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập sau khi cắt hết nhân viên cấp dưỡng theo hợp đồng 68 ở tất cả các trường theo lộ trình Quyết định 999 của Tỉnh ủy.

Cô Trần Thị Yến Anh, Trường mầm non Hoa Đào cho biết: Hiện các nhân viên cấp dưỡng đã nghỉ việc và được trường hợp đồng lại theo hình thức hợp đồng công việc. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, trường đã họp và được phụ huynh thống nhất thực hiện đóng góp theo hình thức xã hội hóa nhằm đảm bảo lương và các chế độ cho đội ngũ nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ. “Do lương của các nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ trường không trong thang bảng lương của đơn vị sự nghiệp công lập, nên được áp dụng lương theo vùng và cao hơn mức lương trước đây. Mặt khác, những nhân viên này tiếp tục được đảm bảo bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ của người lao động theo quy định nên đều yên tâm làm việc” - cô Trần Thị Yến Anh nói. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là giải pháp tạm thời. Mục tiêu của việc cắt giảm nhân viên hợp đồng 68 chính là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và phát huy nguồn lực xã hội hóa. Vì vậy, việc cắt giảm nhân viên hợp đồng 68 nói chung và nhân viên cấp dưỡng nói riêng ở tất cả trường mầm non công lập cần có quy định thống nhất, đồng bộ của các cấp thẩm quyền.    

Kim Phụng

  • Từ khóa
94503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu