Thứ 6, 19/04/2024 15:10:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:00, 23/10/2016 GMT+7

“Cầu nối” giúp nông dân vượt khó

Thế Tường
Chủ nhật, 23/10/2016 | 14:00:00 1,073 lượt xem
BP - Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh vừa kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đạt thành tích xuất sắc trong đào tạo nghề. Những hoạt động của trung tâm đã góp phần đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, làm chuyển biến chất lượng lao động nông thôn và đời sống người dân.

ĐÀO TẠO ĐA NGHỀ VÀ CHỦ ĐỘNG GIỚI THIỆU VIỆC LÀM

Sau 10 năm hoạt động, trung tâm đã phối hợp với hội nông dân các cấp và các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người lao động về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Từ đó, trung tâm đã tiếp nhận 12.370 hồ sơ đăng ký học nghề ngắn hạn theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Căn cứ vào kết quả tuyển sinh tại từng cơ sở hội, trung tâm đã tổ chức 392 lớp đào tạo các nghề: thú y; trồng và chăm sóc, khai thác cao su, nấm; tạo dáng và chăm sóc cây kiểng; ghép điều; chăn nuôi và phòng bệnh cho heo, gà; cài đặt, lắp ráp máy vi tính, tin học văn phòng...

Được các chuyên viên trung tâm tư vấn, anh Nguyễn Doãn Biên đã làm giàu từ nuôi heo LandracetĐược các chuyên viên trung tâm tư vấn, anh Nguyễn Doãn Biên đã làm giàu từ nuôi heo Landracet

Qua đào tạo, trung tâm đã giới thiệu cho hơn 4.000 học viên vào làm việc tại các doanh nghiệp, trang trại, nông trường cao su... với mức lương từ 4,5-7 triệu đồng/người/tháng. Số học viên còn lại đều tự tìm việc làm hoặc phục vụ gia đình sau khi tốt nghiệp. Đơn vị còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam (HITICO), Công ty Thương mại tổng hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (GETRACO) đưa 81 hội viên, lao động nông thôn đi tư vấn xuất khẩu lao động.

Anh Nguyễn Văn Minh, chủ trang trại gà ở huyện Chơn Thành cho biết: “Sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Phương Nam (TP. Hồ Chí Minh) và loay hoay mãi không tìm được việc làm, tôi đã đăng ký học lớp chăm sóc gà do trung tâm tổ chức. Được sự hỗ trợ của gia đình, tôi mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng nuôi gà Minh Dư, tự tạo việc làm cho bản thân và kết quả bước đầu thu được rất khả quan”.

HỖ TRỢ NÔNG DÂN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

Những năm qua, trung tâm đã triển khai nhân rộng 11 mô hình cải tạo vườn điều già năng suất thấp; chuyển giao 26 con bò lai sind và 3.000 cây điều ghép cao sản cho nông dân có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 2 mô hình rau sạch, 1 mô hình nuôi dê cho hội viên tại các huyện, thị xã học tập. Trung tâm còn xây dựng đập ngăn nước tại xã Tân Thành (Bù Đốp), giúp hơn 700 nông dân có nước sử dụng và canh tác vào mùa khô. Đồng thời vận động Công ty TNHH phân bón Sông Lam 333, Công ty TNHH Tân Hồng Lam, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền... bán trả chậm cho hội viên trên 10.000 tấn phân bón các loại.

Năm 2016, trung tâm xây dựng đề án trồng thử nghiệm 5.000 cây chùm ngây tại 5 hộ thuộc các huyện Bù Gia Mập, Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài, đồng thời hỗ trợ các tổ hợp tác trong tỉnh trên 500 cây trồng thử nghiệm. Kết quả, cây chùm ngây sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với mục tiêu nâng cao kỹ thuật sản xuất cho hội viên, trung tâm đã tổ chức tập huấn cho 2.830 lượt hội viên với nội dung liên quan đến kỹ thuật chọn giống và chăm sóc cây điều; xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng hàng nông sản; quy trình chăm sóc và bón phân cho cây trồng; hướng dẫn sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh trong chăn nuôi... Trung tâm còn đưa hơn 500 lượt hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao và tham dự triển lãm quốc tế về chăn nuôi, sản xuất sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản. Tổ chức 5 đoàn với trên 300 hội viên đi học tập tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở trong và ngoài nước về ứng dụng thực tiễn.

Là người bán đậu hũ tại ấp 3, xã Đồng Tâm, được trung tâm tư vấn nuôi heo lai Landrace để nâng cao thu nhập, anh Nguyễn Doãn Biên chia sẻ: “Sau khi nghe các chuyên viên của trung tâm tư vấn, tôi đã đầu tư gần 70 triệu đồng nuôi heo Landrace. Do tận dụng bã đậu sẵn có cho heo ăn nên tôi giảm được chi phí mua cám, thu lợi hơn 100 triệu đồng/năm”.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập trung tâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cho rằng: Trong quá trình hoạt động, trung tâm vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế, đó là quá trình mở lớp còn bị động, làm ảnh hưởng tới quy mô đào tạo và quyền lợi hội viên; thời điểm đào tạo chưa linh động, trình độ học viên còn thấp, nhất là học viên đồng bào dân tộc thiểu số. Phó chủ tịch yêu cầu trung tâm cần đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy, giúp học viên thành thạo kỹ năng khi tìm kiếm việc làm; tăng cường liên kết với doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu thực tế...

  • Từ khóa
1283

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu