Thứ 5, 25/04/2024 00:43:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:07, 22/03/2019 GMT+7

Cầu nối trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ 6, 22/03/2019 | 09:07:00 184 lượt xem
BP - Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hàng trăm cuộc điện thoại, đơn thư khiếu nại của NTD liên quan đến các lĩnh vực thực phẩm, điện - điện tử, dịch vụ bảo hành, chất lượng hàng hóa... Hầu hết các vụ việc đều được giải quyết hoặc hòa giải thành công, góp phần giảm thiểu gian lận thương mại, nâng cao ý thức tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD.

Năm 2018, hội đã tư vấn 20 lượt người liên quan đến quyền lợi NTD qua điện thoại. Văn phòng hội trực tiếp tiếp nhận và giải quyết 1 vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa và phối hợp với các sở, ngành liên quan xử lý 1 vụ khiếu nại về chất lượng gạch xây dựng. Nhờ đó, nhận thức của NTD dần được nâng cao, chủ động tìm đến hội khi quyền lợi bị xâm hại.

Giải quyết vướng mắc

Những năm gần đây, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh không chỉ làm tốt chức năng bảo vệ mà còn là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và NTD khi có vướng mắc cũng như trang bị thêm kỹ năng, kiến thức để NTD tự bảo vệ mình.

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh đều ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng và uy tín doanh nghiệp

Từ số điện thoại đường dây nóng đăng trên Báo Bình Phước, hội đã tư vấn hàng trăm lượt liên quan đến quyền lợi NTD; tiếp nhận và giải quyết thành công nhiều vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa... Điển hình là vụ việc diễn ra ngày 20-2-2019, bà Vũ Thị Thùy Vân ở thôn 5, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng khiếu nại về việc sản phẩm sữa tươi của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) mua tại cửa hàng tạp hóa Cửu Hường ở cùng địa chỉ không đảm bảo chất lượng. Bà Vân phản ánh mua 24 hộp sữa, đã dùng hết 22 hộp, ngày 26-1-2019 mở tiếp hộp thứ 23 cho cháu uống thì phát hiện trong hộp sữa có mảng mốc. Ngày 28-1-2019, bà Vân mang hộp sữa đến Văn phòng hội kiến nghị sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, hội đã mời đại diện Vinamilk đến làm rõ thông tin phản ánh của khách hàng. Khi kiểm tra hồ sơ và mẫu lưu lô hàng tại nhà máy, đại diện công ty đã gặp trực tiếp và cắt hộp sữa còn lại từ lốc đã sử dụng thì thấy sản phẩm hoàn toàn bình thường. Tại buổi làm việc, đại diện các bên liên quan đều đưa ra nhận định hộp sữa bị mảng mốc do tác động từ bên ngoài trong quá trình lưu trữ, vận chuyển, kinh doanh ngoài thị trường không phải do lỗi của nhà sản xuất. Công ty cũng đề xuất được đổi sản phẩm mới cho bà Vân sử dụng, đồng thời yêu cầu gia đình đưa cháu bé đi kiểm tra sức khỏe, trong trường hợp cháu bé bị bệnh có liên quan đến việc sử dụng sản phẩm sữa nêu trên thì Vinamilk chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bà Vân đã thống nhất với cách giải quyết vụ việc của công ty và hội.

Trước đó, đầu tháng 6-2018, hội tiếp nhận đơn kiến nghị của bà Bùi Thị Tâm Anh ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài về việc bà mua 1 tivi hiệu SAMSUNG (49 inch) của Siêu thị điện máy Chợ Lớn tại TP. Đồng Xoài với giá gần 15 triệu đồng. Tại siêu thị, việc kiểm tra kỹ thuật, thử âm thanh và hình ảnh đều được tiến hành đạt chất lượng (có ký nhận). Tuy nhiên, ngày hôm sau, khi lắp đặt cáp mạng, bà Anh mở tivi lên xem thì xuất hiện vệt đen như mực chảy lan khắp màn hình từ trên xuống... Thấy vậy, bà Anh liên hệ siêu thị khắc phục, song nhân viên đến nhà kiểm tra và trả lời sẽ không chịu trách nhiệm vì do lỗi của NTD... Tiếp nhận đơn của bà Anh, hội khẩn trương xác minh, giải quyết. Kết quả, giám đốc điều hành siêu thị đồng ý thay mới màn hình tivi với giá nội bộ là 4,9 triệu đồng, trong đó bà Anh chịu 4 triệu đồng, siêu thị hỗ trợ số còn lại và ký cam kết sẽ không bên nào khiếu kiện.

Tương tự, anh Phùng Thanh Liêm ở ấp 4, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú gửi đơn khiếu nại về việc Công ty TNHH Gốm Đông Á, đường Phú Riềng Đỏ, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài cung cấp gạch men kém chất lượng không đúng với hợp đồng đã ký kết. Sau nhiều lần hai bên tự thỏa thuận để giải quyết sự việc không thành, anh Liêm đã gửi đơn khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh nhờ giúp đỡ và hỗ trợ pháp lý. Nhận được đơn khiếu nại, hội đã gặp gỡ công ty và ông Liêm để tư vấn về mặt pháp lý có liên quan đến việc mua bán giữa 2 bên. Trên cơ sở đó xử lý theo hướng cho hai bên tự thỏa thuận để vừa bảo vệ quyền lợi NTD, vừa không làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Kết quả, 2 bên thống nhất thỏa thuận trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo hội.

Địa chỉ tin cậy của “thượng đế”

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, thời gian qua hội còn tăng cường tư vấn, hướng dẫn NTD kết nối với hệ thống tư vấn, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp các cơ quan quản lý đề xuất, xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của NTD. Cùng các cấp, ngành theo dõi diễn biến tình hình thị trường, kịp thời kiến nghị các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã chỉ đạo theo thẩm quyền nhằm thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Nghiên cứu, khảo sát thực tế nhằm tập hợp ý kiến, phản ánh nhu cầu của NTD. Từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ của NTD và trách nhiệm của doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh.

Thông qua hình thức tư vấn qua điện thoại hoặc giải quyết tận gốc những khiếu nại của NTD qua đơn thư, hội đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy của người dân, góp phần làm giảm hành vi gian lận thương mại, tạo thị trường sản xuất, kinh doanh, mua bán trên địa bàn tỉnh ngày càng lành mạnh. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh lưu ý: “Khi mua bất kỳ loại hàng hóa nào, NTD cần kiểm tra kỹ, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; phải giữ lại các chứng từ, hóa đơn làm bằng chứng khi khiếu nại. Khi có bất kỳ thắc mắc về chất lượng sản phẩm, khách hàng có thể gửi đơn đến hội phản ánh để được hỗ trợ kịp thời. Hội luôn là cầu nối giữa NTD với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn, giúp NTD và doanh nghiệp hiểu nhau hơn”.

Bảo Đăng

  • Từ khóa
44080

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu