Thứ 7, 20/04/2024 03:13:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:21, 11/05/2016 GMT+7

Câu nói truyền đời

Thứ 4, 11/05/2016 | 14:21:00 2,404 lượt xem

BP - Tuệ Tĩnh có tên là Nguyễn Bá Tĩnh, khi đi tu ông mới lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh hay còn gọi là Huệ Tĩnh. Ông xuất thân từ một gia đình bần nông, cha là Nguyễn Công Vỹ, mẹ là Hoàng Thị Ngọc ở Nghĩa Lư, huyện Dạ Cẩm, phủ Hồng Châu, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cầm Vũ, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương.

Theo truyền thuyết ở địa phương, ông sinh trưởng dưới triều Trần Dụ Tông, lúc lên 6 tuổi, cha mẹ đều mất. Ông được nhà sư chùa Hải Triều ở Yên Trang gần đấy đưa về nuôi cho ăn học (chùa Hải Triều sau gọi là chùa Nghiêm Quang, tức chùa Giám ở xã Cẩm Sơn, vì bị đất lở, đã dời đến xã Tân Sơn cùng huyện Cẩm Bình). Đến 10 tuổi, Bá Tĩnh lại được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (Nam Đình) đưa về cho ở học với nhà sư chùa Dũng Nhuệ trong huyện. Tại đây, ông được gọi là Tiểu Huệ nên có biệt danh là Huệ Tĩnh. Ông được học văn và học thuốc để giúp việc chữa bệnh ở chùa.

Đến 22 tuổi, ông đi thi hương trúng bảng, nhưng vẫn ở chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Ông tiếp tục việc chữa bệnh giúp dân ở chùa này và phát triển thêm một số cơ sở chữa bệnh ở các chùa lân cận, như chùa Hộ Xá (Nghĩa Xá). Năm 30 tuổi, ông trở về trụ trì chùa Yên Trang. Ông đã tu bổ lại chùa này và một số chùa khác ở hạt Sơn Nam và quê hương, huấn luyện y học cho các tăng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc cho dân. Ông cũng là người đã gây phong trào trồng thuốc ở gia đình, vườn chùa và thu trữ thuốc theo thời vụ để có sẵn thuốc chữa bệnh kịp thời.

Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc bằng việc trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ “Nam dược thần hiệu” chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ “Hồng Nghĩa giác tư y thư” biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật và bài “Phú thuốc nam” 630 vị cũng bằng chữ Nôm.

Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho nhiều loại gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của Việt Nam.

Năm 45 tuổi, ông thi Đình, đậu Hoàng giáp. Năm 55 tuổi (1385), với trí tuệ uyên bác trong ngành y thuật của mình, Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc nhưng không rõ năm nào. Tuệ Tĩnh xót thương cho số phận của mình và luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được quay lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người thể hiện qua việc ông đã khóc trong lễ nhậm chức của mình tại triều đình nhà Minh và cho tới ngày nay, trên bia mộ của ông vẫn còn dòng chữ “Ai về nước Nam cho tôi về với”.

Năm 1690, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Hoa, tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh đã nhận ra là người cùng làng. Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê Hải Dương bây giờ.

Lời bàn:

Từ bao đời nay, giới y học nước nhà và nhân dân ta đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Đó là cách chữa bệnh bằng thuốc nam theo phương châm: “Nam dược trị Nam nhân”. Và đây là tư tưởng thể hiện rõ quan điểm đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh. Quan điểm ấy dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam: Ông Thánh thuốc Nam! Theo các nhà sử học và y học, trong các trước tác của mình, ông không rập khuôn theo các trước tác của các đời trước, ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên! Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Đồng thời, ông cũng đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông...

Không là bậc cao tăng, cũng không là quốc sư trong những triều đại rực rỡ Lý - Trần nhưng ông vẫn xứng đáng là vị đại sư với công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe dân tộc và được người đời tụng tôn là Thần y đất Việt. Truyền thống y học của Tuệ Tĩnh đã phục vụ đắc lực sức khỏe nhân dân từ bao đời nay, sự nghiệp trước tác của ông đã giữ một vị trí trọng đại nhất trong lịch sử y học Việt Nam. Và điều đáng mừng là truyền thống của Tuệ Tĩnh đã được nhiều thế hệ đời sau thừa kế và phát huy rạng rỡ trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển y học dân tộc.

N.D

  • Từ khóa
109789

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu