Thứ 6, 19/04/2024 20:05:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:23, 06/02/2019 GMT+7

Cây gia vị của người S’tiêng

Thứ 4, 06/02/2019 | 13:23:00 5,095 lượt xem

BP - Gần giống lá nhíp nhưng vị ngọt gấp 4 lần, tạo nên tên gọi “cây bột nêm” của bờ nhau. Không biết từ lúc nào, nhưng theo chia sẻ của đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng): Khi con tê giác trên rừng yêu thích chọn lá này để ăn thì đồng bào đã biết chế biến thành một loại bột gia vị. Vị ngọt hậu của nó tạo cho từng món ăn nửa như của thịt gà, nửa như của bột ngọt, vương vấn mãi vòm họng cả nửa giờ sau khi bữa cơm đã kết thúc.

Vợ chồng già làng Điểu Lên ở sóc Bom Bo chuẩn bị món canh bồi cho bữa tối

Cuộc sống hiện đại, người S’tiêng ở Bình Phước vẫn có sở thích sử dụng thực phẩm từ tự nhiên, như rau rừng, tôm, cua, cá sông, suối... Và bờ nhau vẫn là cây gia vị nổi tiếng, được đồng bào sử dụng, với vị ngọt hơn tôm, cá được giã ra, thanh mát đến mức chưa loại bột nêm nào đạt được. “Chỉ cần một nắm lá cho vào giã cùng 1/2 chén gạo tẻ/nếp đã ngâm nở vừa mức. Khi lá giã nhuyễn, hòa vào bột gạo tạo thành loại bột màu trắng - xanh (khoảng 20-30 phút) là được” - già làng Điểu Lên ở sóc Bom Bo chia sẻ. Cũng theo già làng, không dùng chày cối bình thường để giã bột gia vị bờ nhau, phải chọn chày gỗ và cối đá đặc biệt. Điều này giúp bột dẻo đủ mức, không bị chảy nước, dễ quyện đều vào nước khi nấu, cất trữ được lâu.

Bột gia vị bờ nhau

Từ trước đến nay, trong bữa cơm của đồng bào S’tiêng thường có các món canh rau, canh bồi (gạo tẻ/nếp, thịt, muối...), canh thụt (khoai mài/củ chụp, đọt mây, nhái...) và cháo thịt. Đối với canh thụt, không nêm bột gia vị bờ nhau mà cho lá bờ nhau vào ống và thụt. Quá trình thụt, lá được giã nhuyễn, hòa vào các loại rau, nhái... và tiết ra vị ngọt đặc trưng. Trong các món canh nấu bằng nồi (không thụt) sử dụng bột bờ nhau (có thể được làm ngay trước đó hoặc đã ủ lên men). Khi nồi canh vừa sôi, hòa bột với nước, sau đó chắt vào nồi, bỏ cặn là các sợi gân lá bờ nhau còn sót lại, rồi tiếp tục nấu. Khi bột gạo trong bột gia vị bờ nhau nở mềm là nhắc xuống ăn nóng. Lưu ý, các loại rau, củ không được xắt nhỏ mà ngắt từng đoạn dài như đem luộc, hoặc xắt miếng dày như hầm với xương. Vì thời gian sôi của canh khá dài, cắt nhỏ dễ bị nũn. Với cháo thịt, nhúng lá bờ nhau trong chén cháo nóng hổi. Khi ăn, xác lá vừa ngọt vừa bùi, béo (do thấm mỡ của các loại thịt). Nếu nấu cháo bằng bột gia vị bờ nhau, cháo càng sánh, có vị ngọt bùi.

Chị Điểu XRơi ở Sóc Bom Bo hái lá bờ nhau chuẩn bị nấu món cháo thịt

Chị Điểu XRơi ở sóc Bom Bo, cho biết: “Hầu như mọi món canh, cháo của người Kinh nấu đều nêm được bột bờ nhau... Nhiều khách lên sóc tham quan đã hỏi đến món ăn nấu từ lá bờ nhau, từ bột gia vị bờ nhau. Nhiều người muốn thưởng thức các món ăn hiện đại có cho thêm lá bờ nhau. Và ai cũng bất ngờ bởi vị ngọt của cây gia vị này. Với chúng tôi, bữa cơm nào thiếu lá bờ nhau là nhớ, là thèm và phải bổ sung liền vào bữa cơm sau”. 

Theo đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo, cây bờ nhau mọc ở rẫy cho lá nhỏ hơn cây mọc trong rừng Bù Gia Mập. Khi nấu, trộn 2 loại lá này càng thêm ngọt. Và những người S’tiêng mới bệnh dậy, phụ nữ sau sinh ăn nhiều canh thụt, canh bồi nấu lá bờ nhau thì sức khỏe nhanh phục hồi.

Lá bờ nhau không chỉ lưu truyền trong câu chuyện của đồng bào S’tiêng về những người lính khi chiến đấu bị lạc sâu trong rừng. Để cứu đói, họ hái ăn loại lá có nhiều dấu răng động vật để lại. Khi ăn thấy vị ngọt, thanh mát, vừa như giải khát, giải mệt. Lá bờ nhau còn được nhạc sĩ Huy Du nhắc tới trong bài “Nổi lửa lên em”, ngay từ câu thứ hai: “Lá bép (lá bờ nhau) sau rừng thêm thắm tình anh nuôi”. Và đến nay, khi vào sóc Bom Bo, chúng ta nghe rộn ràng khi người già, trẻ nhỏ nơi đây hát: “Canh bồi nấu lá bờ nhau. Ăn từ sáng sớm, cả ngày vẫn no”.

Trung Nhân

  • Từ khóa
884

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu