Thứ 7, 20/04/2024 07:20:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:17, 18/04/2019 GMT+7

LAO ĐỘNG & CÔNG ĐOÀN

“Cây sáng kiến” ở Công ty TNHH Freewell

Thứ 5, 18/04/2019 | 13:17:00 1,410 lượt xem
BP - Cái tên Vòng Vĩnh Nàm (ảnh) đủ khiến tôi tò mò như chính niềm đam mê sáng tạo bất tận của người cán bộ kỹ thuật - quản lý tài ba này. Và nhìn vào bản thành tích dày đặc sáng kiến của anh, lại cứ ngỡ anh chắc hẳn là một kỹ sư nào đó. Hóa ra, cái nghề lại chẳng liên quan gì đến đơn vị may vi tính, cũng như chức danh chuyên viên mà anh đang đảm nhiệm tại công ty.

Tốt nghiệp hệ trung cấp tiếng Trung của một trường đại học ngoại ngữ dân lập ở Đồng Nai, công việc đầu tiên mà anh Nàm chọn là thông dịch viên cho Công ty xây dựng Kim Nhật ở Vũng Tàu - doanh nghiệp chuyên sản xuất bê tông cốt thép. 1 năm vỏn vẹn trong nghề phiên dịch đã đánh thức khả năng sáng tạo, để anh có thể thăng hoa ở lĩnh vực sản xuất giày da sau này.

Năm 2012, anh được nhận làm phiên dịch cho đơn vị may vi tính của Công ty TNHH Freewell, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú. Vừa làm vừa tự nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, chỉ 3 năm sau, anh đã có sáng kiến đầu tay mang tên Coppy lập trình. Anh đã cải tiến công nghệ để có thể may tự động toàn bộ mặt giày, từ một máy “mẹ”, anh coppy ra nhiều máy “con”, làm tăng đáng kể năng suất lao động. Trước đây, đơn vị của anh cần 10-20 người mới may được 900 đôi giày/ngày, với sáng kiến này năng suất tăng gấp đôi, đạt 2.000-3.000 đôi/ngày. Ấn tượng trong anh về sáng kiến đầu tay ấy chỉ là công việc trôi chảy hơn. Nhưng chính thành công ban đầu đó lại mang đến cho anh nhiều ý tưởng mới.

Với anh, máy móc do con người tạo ra. Vì thế, con người có thể cải tiến nó để tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Đến năm 2016, anh Nàm có một sáng kiến quan trọng khác. Nhận thấy máy móc mới nhập về chỉ may được một khuôn giày, anh trăn trở tìm cách để máy có thể cùng lúc may 2 khuôn giày khác nhau, trái hay phải, lớn hay nhỏ cũng đều may được. Sáng kiến cải tiến máy đơn thành đôi ra đời đã tạo ra sự khác biệt rõ nét. Trước đây bình quân một công nhân trong 8 giờ chỉ may được 120 đôi thì bây giờ họ có thể may 800 đôi giày, hiệu suất tăng lên gấp 7 lần.

Cũng trong năm 2016, anh tiếp tục cải tiến công nghệ, từ máy trụ (máy may thủ công) chuyển sang lập trình sẵn, bỏ bớt công đoạn in soa (làm khuôn in thủ công), từ đó có thể may tự động từ 70-80% các chi tiết của sản phẩm. Giải pháp này đã giúp Freewell tiết kiệm đáng kể nhân công, qua đó góp phần tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Gần đây nhất, năm 2018, anh tiếp tục thành công trong công nghệ may giày da vi tính ở khâu may gót hậu. Trước đây, 4 người/T (một xưởng có 4 T) may thủ công được 1.000 đôi giày/ngày thì bây giờ chỉ cần 2 người/T, một ngày cũng có thể may được 1.200 đôi.

Chính anh cũng không nhớ mình có bao nhiêu sáng kiến, “nhưng không dưới 100” - anh khẳng định. Trong đó, sáng kiến anh tâm đắc nhất là Cải tiến van điện từ vào năm 2016. Bình thường khi may thủ công, công nhân phải dùng tay giữ khuôn may, nhưng nhờ sử dụng công nghệ hơi, công nhân chỉ việc bỏ da vào khuôn kẹp lại, khi may xong máy sẽ tự động nhả giày. Sáng kiến này giúp ích rất nhiều cho an toàn lao động. Năm 2012, trong công ty tuần nào cũng có trường hợp công nhân bị kim đâm thì đến nay, tình trạng này đã được khắc phục triệt để. Năng suất lao động cũng tăng 4 lần, từ 80-90 đôi khi sử dụng máy may thủ công lên 400 đôi trong 8 giờ khi cải tiến van điện từ.

Anh Nguyễn Văn Thông, cán bộ Công đoàn chuyên trách công ty cho biết: “Anh Vòng Vĩnh Nàm có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhất của Freewell, được công ty, tập đoàn ghi nhận, đánh giá cao. Các công ty trong tập đoàn như Long Fa, FreeView, Free Trend đều đã tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm”. Vì vậy, anh là một trong số rất ít người của công ty được nâng lương hằng năm.

Từ vị trí phiên dịch viên cho đơn vị may vi tính, sau gần 8 năm phấn đấu, anh Nàm đã là chuyên viên bậc V, vừa là cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kiêm Tổ trưởng Tổ công đoàn với 500 đoàn viên. Tính ra, anh đang đứng ở vị trí thứ 4 trong 9 cấp bậc quản lý ở Freewell, sau giám đốc, phó giám đốc và cao chuyên.

“Nếu không làm may vi tính nữa, anh sẽ làm gì?” - tôi hỏi. “Câu hỏi này Nàm cũng đã nghe lãnh đạo công ty hỏi. Trả lời chị luôn là nếu không làm nghề này nữa, Nàm sẽ mở công ty riêng, tiếp tục gia công máy móc, lập trình các công nghệ may giày da mới” - anh Nàm khẳng định. Với một cán bộ kỹ thuật vừa có năng lực, vừa đam mê sáng tạo như Nàm, các ưu đãi công ty dành cho anh cũng chính là sách lược “giữ chân” người lao động của Freewell trong thời đại 4.0.

“Đam mê” chính là từ khóa cho những sáng kiến, sáng tạo của anh Vòng Vĩnh Nàm ở Freewell. “Nó giúp mình và công nhân làm việc trôi chảy, đảm bảo an toàn lao động. Mình chỉ mong anh chị em công nhân tự giác lao động, đừng nghĩ cải tiến công nghệ là để bắt công nhân làm việc nhiều hơn, từ đó phối hợp với mình tốt hơn trong lĩnh vực cải tiến công nghệ” - anh Nàm nói.

Thu Hằng

  • Từ khóa
62105

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu