Thứ 5, 25/04/2024 08:17:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:35, 25/06/2015 GMT+7

Cây xóa nghèo trở thành mũi nhọn kinh tế

Thứ 5, 25/06/2015 | 10:35:00 120 lượt xem

BP - Thống kê của Sở Công thương, lần đầu tiên xuất khẩu nhân hạt điều của tỉnh đã vượt qua mủ cao su trong chu kỳ 6 tháng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp của Bình Phước ước xuất khẩu 16.647 tấn hạt điều nhân, trị giá 117,92 triệu USD, tăng 28,67% về lượng, tăng 37,14% về giá trị, trong khi đó xuất khẩu mủ cao su thành phẩm 61.104 tấn, trị giá 101,84 triệu USD, tăng 7,8% về lượng, nhưng giảm tới 23,64% về giá trị so với cùng kỳ 2014.

Năm 2014, Bình Phước xuất khẩu nhân hạt điều 26.700 tấn, tăng 3,3% về lượng và 3,7% về giá trị, cao su thành phẩm 132,75 ngàn tấn, tăng 14,5% về lượng và giảm 12,3% về giá trị so với năm 2013. Với những tín hiệu từ thị trường, đồng thời so sánh số liệu xuất khẩu năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, cho thấy cả năm 2015 xuất khẩu hạt điều của Bình Phước nhiều khả năng sẽ lần đầu tiên vượt qua mủ cao su. Đây là vấn đề nhiều nhà phân tích kinh tế vĩ mô có thể dự báo khi giá mủ cao su liên tục chạm đáy và chưa có dấu hiệu của một chu kỳ phục hồi, tăng trưởng trở lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều trên địa bàn tỉnh đã không ngừng mở rộng sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường nước ngoài.

Ở góc độ giá trị thực (tạo ra của cải cho xã hội), cao su vẫn chiếm vị trí số 1 đối với nền kinh tế Bình Phước. Bởi lẽ, 117,92 triệu USD thu về, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều của Bình Phước phải bỏ ra lượng ngoại tệ không nhỏ để nhập nguyên liệu về sản xuất, trong khi đó cao su đơn thuần chỉ xuất khẩu mà không mất một đồng nào nhập khẩu. Tuy nhiên, không vì thế giảm ý nghĩa việc dẫn đầu xuất khẩu của ngành điều. Để có khối lượng hạt điều nhân xuất khẩu ngày càng lớn, các doanh nghiệp đã trực tiếp tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động. Kéo theo đó là những dịch vụ phụ trợ và cũng tạo việc làm cho hàng ngàn lao động khác...

Có thể thấy, sau thời kỳ đầu những năm 2000 với “nhiệm vụ” xóa đói giảm nghèo thì nay cây điều, ngành điều đang thực sự trở thành một mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Trong mỗi thời điểm, mỗi cây trồng, mỗi ngành sản xuất giữ một vai trò nhất định đối với nền kinh tế. Đi cùng với vai trò đó, nhà quản lý cũng phải hoạch định chính sách phù hợp với chiến lược phát triển trong từng thời điểm, đồng thời có định hướng lâu dài nhằm ổn định ở tầm vĩ mô. Và cây điều, ngành điều Bình Phước hôm nay, đang rất cần có hoạch định chính sách, cần một chiến lược để xứng tầm với một mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Những chính sách, chiến lược đó rất cần được xây dựng bài bản từ khi cây điều nảy mầm, chiết cành để trồng, cho đến khi sản phẩm hạt điều đặt trên tay người tiêu dùng.

Làm được điều đó, không chỉ sẽ đem lại lợi ích cho hàng ngàn nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh, hàng ngàn lao động đang làm việc trong nhà máy, cơ sở chế biến, xuất khẩu điều, mà còn tạo điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp ngành điều phát triển lâu dài, mở rộng quy mô, giảm bớt làm ăn chụp giật, đặc biệt là Bình Phước khi ấy sẽ không chỉ là thủ phủ của cây điều mà hướng đến tương lai không xa sẽ là thủ phủ của ngành điều trong cả nước, xa hơn nữa là thủ phủ của ngành điều thế giới. Ước mơ đó có trở thành sự thực hay không phụ thuộc rất lớn vào những người có trách nhiệm và tâm huyết với cây điều, với người nông dân, với doanh nghiệp và với quê hương Bình Phước đầy tiềm năng.

T.P

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu