Thứ 6, 19/04/2024 16:34:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:20, 29/01/2015 GMT+7

“Chấm điểm 10” cho UBND huyện Lộc Ninh

Thứ 5, 29/01/2015 | 13:20:00 1,381 lượt xem
BP - Trong Văn bản số 21/UBND-KT ngày 12-1-2015, phúc đáp tờ trình của Trường THPT Lộc Ninh, Chủ tịch UBND huyện này đã không chấp thuận chủ trương xã hội hóa giáo dục trong việc kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ phụ huynh học sinh để bê tông hóa sân trường, làm bồn cây... do trường kiến nghị.

Lý do được Chủ tịch UBND huyện đưa ra là: “Hàng năm, ngoài các khoản đóng theo quy định của Nhà nước, người dân còn phải thực hiện nhiều khoản đóng góp mang tính tự nguyện do địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể các cấp huy động như quỹ ủng hộ người nghèo, quỹ khuyến học...; Các gia đình có con em đi học phải thực hiện đóng các khoản thu theo quy định của nhà trường, tổ chức đoàn, đội trong trường học, trong đó có nguồn thu xã hội hóa. Vì vậy, dù thu theo hình thức nào thì cũng là vấn đề liên quan đến thu nhập trong cuộc sống thường ngày của người dân, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, kế hoạch vận động đóng góp của nhà trường là không phù hợp trong tình hình hiện nay cũng như thời gian tới”.

Ý kiến trên của lãnh đạo UBND huyện Lộc Ninh thực sự vì dân, hiểu rõ được tính hai mặt của xã hội hóa giáo dục; được dư luận, nhất là phụ huynh Trường THPT Lộc Ninh hoan nghênh, “chấm điểm 9”.

Thời gian qua, chủ trương xã hội hóa giáo dục được áp dụng ở hầu hết các cơ sở giáo dục trong cả nước. Trong tình hình ngân sách nhà nước chi cho giáo dục còn hạn hẹp, việc vận động, đóng góp từ nhiều nguồn lực trong xã hội là việc làm cần thiết. Qua đó, nhiều công trình, lớp học, trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Tuy nhiên, hiện công tác xã hội hóa giáo dục mới chỉ dừng lại ở mức độ đầu tư cơ sở vật chất, còn việc xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì chưa được bao nhiêu. Chủ trương trên cũng đã, đang bị biến tướng, theo kiểu áp đặt, dẫn đến tình trạng lạm thu, tạo dư luận không tốt, gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Không chỉ các huyện còn nhiều khó khăn, dân tộc thiểu số, biên giới của tỉnh như Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh... mà tại những đô thị phát triển như Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long thì việc đóng góp quá nhiều khoản chi đã tạo gánh nặng, áp lực với các gia đình nghèo, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp. UBND tỉnh, Sở GD-ĐT cũng ban hành nhiều công văn chấn chỉnh tình trạng lạm  thu và Báo Bình Phước đã có nhiều bài viết phản ánh, nhưng vẫn chưa hạn chế được bao nhiêu vì thiếu những chế tài cụ thể.

Trở lại với câu chuyện của THPT Lộc Ninh, được biết trường đã được UBND huyện thuận chủ trương giao đất để xây dựng mới theo hướng chuẩn hóa. Huyện ủy, UBND huyện cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở GD-ĐT về ghi vốn đầu tư xây dựng mới Trường THPT Lộc Ninh giai đoạn 2016-2020. Và trong khi chờ ý kiến của UBND tỉnh, trước mắt Chủ tịch UBND huyện đề nghị trường có thể huy động sự đóng góp từ giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường, mạnh thường quân, các thế hệ cựu học sinh để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp những hạng mục thật sự cần thiết; đồng thời giảm bớt các khoản đóng góp cho người dân và phụ huynh học sinh.

Thêm một điểm cho UBND huyện Lộc Ninh trước những khó khăn của  người dân, trong đó có phụ huynh ngôi trường nơi biên giới mang nhiều bề dày truyền thống này.

Hoàng Thu

  • Từ khóa
12522

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu