Thứ 3, 23/04/2024 16:21:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 11:20, 04/09/2019 GMT+7

Chân lý luôn thuộc về lẽ phải

Thứ 4, 04/09/2019 | 11:20:00 186 lượt xem
BP - Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được 107 quốc gia ký kết ngày 10-12-1982, tại vịnh Montego thuộc Jamaica và đến nay đã có hơn 160 nước tham gia. Sự ra đời của UNCLOS đã đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển, đồng thời dung hòa được quyền và lợi ích giữa các quốc gia. Sau gần 37 năm hình thành và phát triển, UNCLOS thể hiện vai trò như một bản hiến pháp của đại dương trong việc điều chỉnh quy chế pháp lý các vùng biển, cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển.

Tính đến nay, UNCLOS có hơn 160 thành viên từ khắp châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương tham gia. Trong số các nước ven biển Đông đã có 8 nước tham gia Công ước Luật Biển 1982 là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei và Thái Lan. Tham gia UNCLOS, Việt Nam là quốc gia ven biển được thừa nhận có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà Việt Nam được hưởng theo quy định của UNCLOS khoảng gần một triệu km2, rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.

Theo quy định tại Điều 3 trong UNCLOS thì: Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước. Và tại Điều 8 quy định về vùng nội thủy như sau: ...Các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải thuộc nội thủy của quốc gia. Về vùng đặc quyền kinh tế, tại Điều 55 trong UNCLOS đã quy định: Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần này. Theo đó, các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh. Đồng thời, tại Điều 57 quy định: Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Quy định về thềm lục địa, tại Điều 76 đã nêu: Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn.

Cụm nhà giàn DK1 - cột mốc giữa biển khơi canh giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong ảnh: Các tấm năng lượng mặt trời phủ kín bề ngoài của nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính - Ảnh: Trần PhươngCụm nhà giàn DK1 - cột mốc giữa biển khơi canh giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong ảnh: Các tấm năng lượng mặt trời phủ kín bề ngoài của nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính - Ảnh: Trần Phương

Căn cứ quy định của UNCLOS, các quốc gia ven biển Đông có các vùng biển với các quy chế pháp lý khác nhau. Hai vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển là nội thủy và lãnh hải. Hai vùng biển khác thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Từ những quy định trong UNCLOS, các quốc gia ven biển Đông tính chiều rộng của các vùng biển của mình kể từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải. Riêng Indonesia và Philippines là quốc gia quần đảo nên 2 nước này được phép vẽ đường cơ sở quần đảo, tức là nối các điểm ngoài cùng các đảo xa nhất của quần đảo với nhau bằng các đoạn thẳng. Còn các quốc gia ven biển Đông khác như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei và Trung Quốc hoàn toàn không có quyền vẽ đường cơ sở quần đảo.

Theo quy định tại UNCLOS, các quốc gia ven biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải với chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Cũng theo quy định tại UNCLOS, các quốc gia ven biển Đông có vùng thềm lục địa của mình. Đó là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển Đông. Công ước quy định chiều rộng tối thiểu của thềm lục địa là 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Quốc gia ven biển Đông có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý kể từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m (đường nối liền các điểm có độ sâu 2.500m). Tuy nhiên, để được mở rộng thềm lục địa đến tối đa 350 hải lý thì quốc gia ven biển Đông phải trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Thực hiện quyền này, ngày 6-5-2009, Việt Nam và Malaysia trình Liên hợp quốc báo cáo chung của 2 quốc gia về xác định ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở Nam biển Đông. Ngày 7-5-2009, Việt Nam đã trình báo cáo riêng của Việt Nam về xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở khu vực phía Bắc.

Như vậy, các quy định của UNCLOS về phạm vi cũng như quy chế pháp lý các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển rất rõ ràng, minh bạch. Phù hợp với các quy định của Công ước, Việt Nam có các quyền hợp pháp và chính đáng đối với mỗi vùng biển của mình. Khi thực hiện các quyền đó của mình, Việt Nam luôn có nghĩa vụ tôn trọng các quyền tương tự của các quốc gia ven biển khác. Chính vì thế, việc Trung Quốc vẽ đường chín đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U, đường chín khúc để chỉ đường quốc giới của mình trên biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Lẽ thứ nhất, việc làm đó đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Lẽ thứ 2 là trái với quy định của UNCLOS về phương pháp vẽ đường cơ sở, mà Trung Quốc cũng là một quốc gia thành viên của UNCLOS.

Hơn thế nữa, các quyền chính đáng của Việt Nam đối với các vùng biển hợp pháp của mình đã và đang bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng. Điển hình là việc Trung Quốc cho tàu cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngay trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam vào cuối tháng 5-2011. Tiếp đó, ngày 1-5-2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, đây là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Từ đầu tháng 7-2019 đến nay, Trung Quốc đã 2 lần đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam ở bãi Tư Chính. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của UNCLOS. Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía Nam biển Đông, với chiều dài 63km, rộng 11km. Phần mặt bằng rạn san hô quan sát được có diện tích 33,88km² và nơi nông nhất có độ sâu 16m. Bãi Tư Chính cách đất bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Như vậy, theo UNCLOS, bãi Tư Chính nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thực tế từ xưa tới nay, Việt Nam đã, đang quản lý, khai thác vùng biển thuộc quyền chủ quyền của mình.

Những việc làm trái Luật Biển quốc tế của Trung Quốc ở biển Đông đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Một hệ quả tất yếu mà Trung Quốc không tính hết là hiện nay không chỉ các nước ven biển Đông bất bình và phẫn nộ, mà cả thế giới cũng đã cực lực lên án cách hành xử của Trung Quốc vừa trái luật pháp quốc tế vừa theo kiểu “bắt nạt” các nước láng giềng có tiềm lực kinh tế, quân sự nhỏ hơn mình. Và chân lý luôn thuộc về lẽ phải, chứ không phải là kẻ mạnh. 

N.V

  • Từ khóa
111423

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu