Thứ 3, 23/04/2024 14:55:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:50, 23/10/2018 GMT+7

Chết vì được làm vua

Thứ 3, 23/10/2018 | 13:50:00 257 lượt xem
BP - Trong chế độ phong kiến, vua là người có quyền sinh, quyền sát đối với tất cả thần dân. Tuy nhiên, cũng có những ông vua không tự quyết định được vận mệnh của mình và phải “chết yểu” như Lê Trung Tông của nhà Tiền Lê hay Dục Đức, Kiến Phúc của nhà Nguyễn. Những ông vua này, vì lý do khác nhau, phải đón nhận tấn bi kịch cuộc đời. Tuy nhiên, chỉ có Dục Đức là người ngồi trên ngai vàng ngắn nhất, vì mới được 3 ngày đã bị phế truất. Và Dục Đức là ông vua có kết cục bi thảm trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Minh họa: S.H

Dục Đức là ông vua thứ 5 của triều đại nhà Nguyễn, chế độ phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta. Kể từ khi được vua Gia Long sáng lập từ năm 1802, trải qua thời kỳ phát triển ổn định dưới thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và giai đoạn đầu của vua Tự Đức, triều Nguyễn bắt đầu suy yếu khi quân Pháp đổ bộ xâm lược nước ta vào năm 1858. Vì vua Tự Đức mắc bệnh từ nhỏ nên cơ thể gầy yếu. Mặc dù ông có tới 300 bà vợ, cung phi nhưng không có con. Không có người nối dõi, ông vua hay chữ phải chọn nuôi 3 người con đều trong hoàng tộc, trong đó có vua Dục Đức sau này.

Theo sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn”, vua Dục Đức (1852-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái, sau đó được Tự Đức đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân. Ông là con thứ 2 của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Năm 17 tuổi, ông được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và cho xây dựng phòng riêng để học tập, giao cho hoàng quý phi Vũ Thị Duyên trông nom, dạy bảo. Chỗ học của vua về sau được gọi là Dục Đức Đường. Năm 1883, ông được phong làm Thụy Quốc công.

Theo tài liệu của triều Nguyễn để lại rằng, trong số 3 người con nuôi của mình, vua Tự Đức yêu quý nhất và muốn truyền ngôi cho người con thứ 3 là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con của Kiên thái vương và Nguyễn Thị Hương. Nhưng lúc Tự Đức sắp mất, Ưng Đăng còn quá nhỏ, tình hình đất nước lúc bấy giờ đã bị Pháp xâm lược nên triều đình buộc phải chọn một ông vua lớn tuổi để chăm lo chính sự. Do đó, buộc lòng vua Tự Đức phải chọn Nguyễn Phúc Ưng Chân, lúc này đã 32 tuổi. Vào năm Tự Đức thứ 36 - 1883, khi bệnh đã nan nguy, biết không thể qua khỏi, vua gọi 3 phụ chính đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại để thảo chiếu nhường ngôi cho Nguyễn Phúc Ưng Chân. Khi đó, các quan phụ chính đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã dâng sớ lên vua Tự Đức xin bỏ mấy đoạn có liên quan trong di chiếu viết không tốt cho Ưng Chân nhưng vua Tự Đức từ chối.

Sau khi vua Tự Đức băng hà, Nguyễn Phúc Ưng Chân lên ngôi kế vị vào ngày 19-7-1883. Vốn là người bị dị tật ở mắt, lại mắc phải một số trọng tội trước đó nên lúc làm lễ lên ngôi, Ưng Chân đã sai Trần Tiễn Thành đọc lướt một số đoạn “không cần thiết” viết không tốt về mình. Trần Tiễn Thành đã cố tình lướt qua nhưng 2 phụ chính là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đứng sát bên đã tiến lại, hạch hỏi Trần Tiễn Thành rồi sai Nguyễn Trọng Hợp đọc đúng nguyên văn của di chiếu.

Ngay sau khi di chiếu được đọc qua, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã “hỏi tội” Trần Tiễn Thành về làm giả di chiếu. Đúng 3 ngày sau, 2 phụ chính đại thần dâng biểu lên bà Từ Dũ, về 4 đại tội của nhà vua, trong đó có tội cố tình sửa di chiếu của vua Tự Đức. Trước sức ép của 2 vị đại thần quyền lực khuynh đảo triều đình, bà Từ Dũ không thể làm gì ngoài việc buộc phải đồng ý phế ngôi của Dục Đức. Chỉ sau 3 ngày làm vua, chưa kịp đặt niên hiệu, Dục Đức đã trở thành kẻ trọng tội. Sau đó, vua Dục Đức bị quản thúc tại Dục Đức Đường, hôm sau bị tuyên án, giam ở Thái y viện. Tại đây, một phòng kín được cấp tốc xây lên, ông bị bỏ đói và không cho uống nước. Thương tình vua cũ, những người lính canh thỉnh thoảng nhét cho ít cơm nắm cùng chiếc áo rách đã nhúng nước để nhà vua vắt ra lấy nước uống. Không đến 1 tháng sau thì vua qua đời.

Lời bàn:

Dục Đức là ông vua thứ 5 của triều đại nhà Nguyễn, chế độ phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta. Theo quan niệm Nho giáo thời phong kiến, vua là “thiên tử” - con trời, vì thế hễ bất cứ ai được làm vua thì người đó có quyền tối thượng trong một quốc gia. Do vậy, “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung”, có nghĩa vua bảo chết thì phải chết. Và lịch sử phong kiến ở nước ta đã chứng minh chẳng có ai trái lệnh vua mà giữ được cái đầu trên cổ. Tuy nhiên, với vua Dục Đức thì lại hoàn toàn trái ngược. Dù đã được làm vua theo di chiếu, nhưng vua Dục Đức vẫn bị 2 đại thần khuynh đảo triều chính là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường làm cho chết không có chỗ chôn.

Và với nội dung của giai thoại này thì xem ra câu nói của người xưa “Sướng như vua”, không chính xác hoàn toàn, bởi vì vẫn có những ông vua như Dục Đức là minh chứng xác đáng để phủ nhận câu nói này. Thế mới hay rằng, khi triều chính suy vi, đất nước đã lâm vào cảnh đại loạn thì thân phận kẻ làm vua lại không bằng thường dân. Nếu như Dục Đức không làm vua thì ông ta đã có được cuộc sống sung túc của một bậc hoàng thân quốc thích. Chỉ vì làm vua có 3 ngày mà khi chết phải chung huyệt với một lão ăn mày và đây quả là tấn bi kịch của triều đình nhà Nguyễn trong giai đoạn suy tàn.

N.D

  • Từ khóa
110107

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu