Thứ 3, 19/03/2024 15:03:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:31, 21/07/2019 GMT+7

Chết vì một bài thơ

Chủ nhật, 21/07/2019 | 13:31:00 1,475 lượt xem

BP - Đó là chuyện hoàn toàn có thật và xảy ra dưới triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam - nhà Nguyễn. Bài thơ bị vu rằng có ý phản loạn, khiến Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, còn người con trai bị trảm quyết. Nguyễn Văn Thành là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, đồng thời là một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên (vua Gia Long) của triều Nguyễn.

Sử cũ chép lại rằng, Nguyễn Văn Thành sinh năm Mậu Dần - 1758. Tiên tổ của ông người xứ Thuận Hóa, phủ Triệu Phong, huyện Quảng Điền, tổng Phú Ốc, xã Bác Vọng. Tằng tổ là Nguyễn Văn Toán dời vào Gia Định. Tổ là Nguyễn Văn Tính lại dời đến ở Bình Hòa. Cha ông là Nguyễn Văn Hiền lại dời vào Gia Định. Ông là người có trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ. Năm 1773, ông cùng cha ra tận đất Phú Yên ngày nay để theo Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chống Tây Sơn. Năm 1775, tháng 7 âm lịch, Phú Yên bị đánh úp, cai đội Nguyễn Văn Hiền tử trận.

Năm 1778, ông theo Nguyễn Văn Hoàng đóng đồn ở Phan Rí. Khi Nguyễn Văn Hoàng mất, Nguyễn Ánh cho triệu ông về. Năm 1786, ông cùng Lê Văn Quân giúp quân Xiêm đánh tan quân Miến Điện, vua Xiêm thán phục trở về đem vàng, lụa đến tạ, lại ngỏ ý một lần nữa giúp quân cho Nguyễn Ánh thu phục Gia Định. Nguyễn Ánh triệu chư tướng hội bàn, ông tâu rằng: Vua Thiếu Khang chỉ một lữ còn dựng được cơ đồ nhà Hạ. Ta nuôi sức mạnh mà thừa chỗ sơ hở thì việc có thể làm được, lính Xiêm tàn ngược, không nên nhờ họ giúp, nếu nhờ binh lực họ mà thành công lại có sự lo sau, không bằng cứ yên tĩnh để chờ cơ hội là hơn. Vua cho là phải nên việc ấy bèn thôi.

Có thể nói, Nguyễn Văn Thành bôn ba theo vua Gia Long từ lúc “nằm gai nếm mật” đến khi nhà Nguyễn thống nhất giang sơn. Ông cũng chính là người soạn thảo Bộ luật Gia Long nhưng chính ông đã phải nhận cái án đầy khắc nghiệt quy định trong bộ luật này. Căn nguyên của vụ án từ một bài thơ do Nguyễn Văn Thuyên - con trai trưởng của Nguyễn Văn Thành sáng tác. Bài thơ bị vu rằng có ý phản loạn, khiến Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, còn người con trai bị trảm quyết.

Vốn là người hâm mộ văn chương, Nguyễn Văn Thuyên thường làm thơ, ngâm vịnh với những kẻ sĩ. Một bài thơ do Nguyễn Văn Thuyên làm đã đến tai nhiều vị quan triều đình, trong đó có cả vua Gia Long. Do Nguyễn Văn Thành là công thần nên một số người ghen tỵ với công trạng của ông. Những người có hiềm khích đã dựa vào 2 câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt là cha con Nguyễn Văn Thành có ý phản loạn, truất ngôi vua. Bài thơ như sau:

Ái Châu nghe nói lắm người hay
Ao ước cầu hiền đã bấy nay
Ngọc phác Kinh Sơn tài sẵn đó
Ngựa kỳ Ký Bắc biết lâu thay
Mùi hương hang tối xa nghìn dặm
Tiếng phượng gò cao suốt chín mây
Sơn tể phen này dù gặp gỡ
Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.

Vì bài thơ này mà cha con Nguyễn Văn Thành bị bắt. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” có đoạn chép: Vua nói: “Trẫm đãi Văn Thành không bạc, nay hắn tự mình làm nên tội thì phép công của triều đình trẫm không thể làm của riêng được”. Vua bèn sai bắt Nguyễn Văn Thành và con trai giam ở nhà quân Thị lang. Bầy tôi họp để xét hỏi Văn Thành. Hỏi: “Có làm phản không? Có muốn lật ngôi không?”. Thành nói: “Không”.

Vài ngày sau, Thống chế Hoàng Công Lý nói với Văn Thành rằng: “Án đã xong rồi, vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Nguyễn Văn Thành lặng im uống thuốc độc chết. Vua triệu Hoàng Công Lý hỏi rằng: “Văn Thành khi chết có nói gì không?”, Công Lý nói: “Bẩm không”. Vua giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”. Đúng lúc đó, có quân lính lại nhặt được tờ di chiếu trần tình của Nguyễn Văn Thành trước lúc chết ở nhà quân đem dâng. Vua cầm tờ trình khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay, trẫm không bảo hộ được, ấy là trẫm kém đức”.

Lời bàn:

Nguyễn Văn Thành một đời làm tướng, tài đủ để thắng được đối phương nhưng chưa đủ để chế ngự bản tính ngông nghênh của mình. Và cha nào con nấy, cái ngông nghênh của Nguyễn Văn Thuyên không thể nói là không có phần ảnh hưởng của người cha. Xưa nay, ngông nghênh vô lối với khẩu khí ngang tàng chẳng mấy ai ưa, huống chi là vua, người giữ quyền sinh, quyền sát của mọi thần dân. Bởi thế không chỉ Nguyễn Văn Thành mà về sau, tất cả những người con của ông cùng gia thuộc của họ đã bị vua Minh Mạng cho bắt giết, quả là một thảm họa từ một bài thơ.

Vụ án Nguyễn Văn Thành và cái chết của ông đã để lại nhiều dấu hỏi lớn trong triều đình nhà Nguyễn và cả hậu thế. Một bậc khai quốc công thần với nhiều chiến công hiển hách và đã biết bao lần đồng sinh cộng tử cùng vua Gia Long, nhưng đã phải uống thuốc độc tự vẫn, còn con trai ông bị trảm quyết khiến không chỉ người đương thời mà cả hậu thế không khỏi xót xa. Nếu vua Gia Long sáng suốt xem xét tình hình, nếu không có chuyện đố kỵ nơi triều chính, Nguyễn Văn Thành ắt đã không phải nhận cái chết đầy oan khuất. Và đây chính là mầm họa của triều đình nhà Nguyễn về sau.

N.D

  • Từ khóa
110207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu