Thứ 7, 20/04/2024 18:53:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:23, 08/04/2014 GMT+7

Chỉ là giải pháp tình thế

Thứ 3, 08/04/2014 | 10:23:00 133 lượt xem

Bộ Giao thông - Vận tải vừa công bố Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 91/2009/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân.

Theo đó, dự thảo đã đưa vào quy định: Các loại xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT) từ 1-7-2016.

Như vậy, ngoài các đối tượng theo quy định như hiện nay phải lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định của Nghị định 91/2009/NĐ-CP là xe vận tải khách tuyến cố định, xe buýt, xe du lịch, xe vận chuyển khách theo hợp đồng và xe vận tải hàng hóa bằng container, thì đối tượng phải lắp thiết bị GSHT được mở rộng thêm trong thời gian tới là xe taxi và xe vận tải hàng hóa từ 10 tấn trở lên. Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng quy định thêm: Xe vận chuyển khách theo hợp đồng và xe du lịch, trước khi thực hiện vận chuyển khách trên xe từ 10 chỗ ngồi trở lên, phải thông báo với Sở Giao thông - Vận tải.

Nếu đề xuất trên được chấp thuận, số lượng xe phải lắp thiết bị GSHT sẽ tăng lên gấp nhiều lần con số hiện nay và sẽ giúp quản chặt hơn loại hình kinh doanh đang “nóng” về mất an toàn giao thông này. Bởi khi hoạt động vận tải vẫn đang mất trật tự ở mức báo động như ở nước ta hiện nay, nhất là đối tượng xe hợp đồng, xe vận tải hàng hóa thông thường thì việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước là cần thiết. Và hiện nay, không có giải pháp nào hơn giải pháp quản lý chặt các đối tượng đang tự tung, tự tác này qua thiết bị GSHT. Vấn đề là phải quy định trách nhiệm, tăng cường năng lực cho các Sở Giao thông - Vận tải.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của người viết thì việc này khá tích cực nhưng chỉ với trong thời điểm hiện nay. Về lâu dài đây chỉ là giải pháp tình thế. Muốn hạn chế tối đa tai nạn giao thông thì cần có sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc nâng điều kiện kinh doanh của tất cả các loại hình lên mức bình đẳng như nhau. Thực tế có không ít cá nhân có tiền, có người biết lái xe (có bằng lái phù hợp với phương tiện) đã hoạt động kinh doanh vận tải. Chính vì thế mới có chuyện xe dù, bến cóc. Bởi những cá nhân này kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách nhưng không đăng ký kinh doanh, không đăng ký bến bãi. Riêng với việc này họ đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ trong một năm. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Do đó, muốn lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì những quy định mới trong dự thảo nghị định nêu trên chưa phải là căn cơ. Điều quan trọng là nghiên cứu để sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 theo hướng đã tham gia kinh doanh vận tải thì phải có pháp nhân - phải là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời nâng cao mức phạt đối với các chủ phương tiện không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn thực hiện hành vi vận chuyển hàng hóa, hành khách.

Đây chính là hàng rào pháp luật và kỹ thuật để nâng cao trách nhiệm pháp lý cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ vận tải.

V.H

 

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu