Thứ 6, 29/03/2024 03:30:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:45, 26/05/2017 GMT+7

Chỉ tốt khi không có kẻ cơ hội trục lợi

Thứ 6, 26/05/2017 | 08:45:00 114 lượt xem

BP - Thời gian gần đây, không chỉ thầy cô và giới chức trong ngành giáo dục, mà những ai quan tâm tới vấn đề dạy và học đều không thể bỏ qua nội dung Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, “có chế độ đãi ngộ lớn” do chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu. Vấn đề này khá mới, không chỉ tác động mạnh đến tâm lý giáo viên mà còn ảnh hưởng đời sống của họ. Nếu ai có tư tưởng mới, sẵn sàng đón nhận sự thay đổi thì dễ dàng thích nghi hơn, nhưng với thầy cô nặng tư tưởng “bao cấp” thì điều này sẽ tác động tâm lý không hề nhỏ.

Theo logic của sự thay đổi này, không còn công chức, viên chức giáo viên sẽ khuyến khích thầy cô giáo không ngừng học hỏi, nỗ lực tìm tòi để giảng dạy ngày càng tốt hơn, quan tâm nhiều hơn đến việc tiếp thu của học sinh, điều chỉnh nội dung giảng dạy để phù hợp quy luật “cạnh tranh lành mạnh”. Trên thực tế, nghề nghiệp nào không có sự cạnh tranh, cố gắng và sáng tạo thì không có sự phát triển. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo cũng vậy, nếu giáo viên chỉ dạy cho đủ tiết, hết chương trình mà không tâm huyết với nghề thì không thể có chất lượng giảng dạy tốt. Sự thay đổi này còn giúp xóa được tư tưởng vốn từng đóng khung: khi đã là công chức, viên chức sẽ khó có thể đuổi họ ra khỏi cơ quan, trường học, trừ khi có vi phạm bị xử lý kỷ luật.

Nhưng với sự thay đổi này cần phải có lộ trình phù hợp để giáo viên yên tâm cống hiến lòng nhiệt huyết với nghề nghiệp, có thời gian khẳng định bản thân. Ưu tiên những giáo viên có thâm niên giảng dạy tốt, là giáo viên giỏi các cấp, đào tạo được nhiều học sinh giỏi, tham gia các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế...

Đặc biệt, chức danh hiệu trưởng, hiệu phó cũng theo chế độ hợp đồng để nếu có những cán bộ quản lý là “ông trời con” hay “vua một cõi” (vẫn còn tồn tại đâu đó) sẽ hết cơ hội cửa quyền, hách dịch. Triệt tiêu luôn tình trạng tuyển dụng công chức, viên chức giáo viên theo kiểu “con ông cháu cha”, mang tính “thương mại”... khi giao quyền ký hợp đồng cho hiệu trưởng, hiệu phó... Khi đó, người tài mới thực sự có đất dụng võ.

Qua sự “sàng lọc” này, giáo viên kém, không yêu nghề đương nhiên hết hợp đồng sẽ bị “đào thải” để người khác có trình độ cao hơn được ở vị trí xứng đáng: Người thầy! Điều đó sẽ khiến bản thân giáo viên phải tự vận động, tự trau dồi nâng cao trình độ của mình. Nếu ai cũng thế, đương nhiên đội ngũ giáo viên của chúng ta sẽ tự thân vận động nâng cao trình độ mà không cần phải “thúc ép”. Ngoài ra, cũng cần có chế độ ưu tiên, đãi ngộ hấp dẫn hơn với giáo viên dạy vùng sâu, xa, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số để khuyến khích giáo viên về những “vùng lõm”.

 Cùng với công tác tuyển dụng minh bạch, có chính sách đãi ngộ tốt, môi trường “cạnh tranh” bằng chuyên môn, thực lực và không còn phải lo “đi cửa sau”; chế độ lương, thưởng phù hợp để thầy cô giáo tự nuôi sống được bản thân và gia đình thì việc toàn tâm, toàn ý vào “trồng người” sẽ không còn là vấn đề nan giải. Đây cũng sẽ là lời giải cho việc làm sao để thầy cô chấm dứt dạy thêm - học thêm “chui” hoặc làm nghề phụ để có thêm thu nhập.

An Nhiên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu