Thứ 4, 24/04/2024 05:48:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:06, 23/10/2013 GMT+7

Chị Trịnh Thị Long làm theo gương Bác

Thứ 4, 23/10/2013 | 07:06:00 1,891 lượt xem

TỪ GIAN KHÓ VƯƠN LÊN LÀM GIÀU

Gần 50 tuổi, chị Trịnh Thị Long có dáng người nhỏ nhắn và nét mặt luôn tươi khi nói chuyện với mọi người. Chị nói “20 năm bám đất để làm kinh tế, tất cả sức lực đã dồn hết vào rẫy điều, cà phê và tiêu. Năm 2009, sức khỏe giảm sút nên vợ chồng tôi bán một phần rẫy để kinh doanh dịch vụ vận tải đưa rước học sinh và cho thuê xe du lịch. Hiện gia đình tôi chỉ còn 4 ha điều, cà phê và tiêu...”.


Chị Long tặng sổ tiết kiệm cho cháu Quỳnh Hương

Năm 1993 khi đang mang thai con trai thứ 2, vợ chồng chị đã rời Củ Chi lên Lộc Quang lập nghiệp. 20 năm trước nơi đây rừng rậm, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và những hộ mới đến lập nghiệp. Đêm đến không ai dám ra khỏi chòi và đốt lửa suốt đêm để đuổi thú rừng. Để yên tâm làm rẫy, chị họ phải gửi con gái đầu cho ông bà ngoại. Vốn liếng dành dụm ở quê anh chị mua 1 ha đất. Chị bụng to vượt mặt nhưng vẫn cùng chồng dọn rẫy, tỉa lúa để “thắng cái đói” và có sức cuốc đất.

Trời phú cho vùng đất màu mỡ và giàu nước tưới nên anh chị đầu tư trồng cà phê và tiêu. Cà phê, tiêu những năm 1995-1998 được giá nên kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. “Lúc này, tôi như được tiếp thêm sức, làm không biết mệt. Ngoài chăm sóc vườn cà phê, hồ tiêu tôi còn nhận khoán trồng mía  theo hợp đồng với doanh nghiệp có khi tới 40 ha”. Chị Long hồ hởi kể.


“MUỐN CÓ PHONG TRÀO MÌNH PHẢI LÀM GƯƠNG”

Căn nhà giản dị của gia đình chị Long treo đầy giấy khen, bằng khen của cả nhà. Anh Bùi Văn Triều (chồng chị) là trưởng công an xã đã gần 3 nhiệm kỳ, được UBND tỉnh và Công an tỉnh tặng bằng khen, giấy khen.

Chị Long kể, những năm tháng đầu lập nghiệp ở vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, ngôi nhà nhỏ của anh chị là nơi quần tụ của xóm. Năm 1999, kinh tế gia đình tạm ổn, anh Triều làm ấp phó, phụ trách an ninh và 6 tháng sau được điều về làm phó, rồi trưởng công an xã. Chồng “tối mắt” vì việc xã, vườn rẫy “khoán” chị lo. Năm 1998 chị làm tổ trưởng phụ nữ, năm 2007 chị làm chi hội phó và 2010 nhận nhiệm vụ chi hội trưởng.

 “Lộc Quang là xã nghèo thứ nhì của tỉnh, Bù Tam là ấp khó khăn nhất của Lộc Quang. Hiện nay, Bù Tam có 189 hộ, trong đó 49 hộ dân tộc Xêtiêng; hộ nghèo chiếm tới 55 hộ. Chi hội phụ nữ có 95 hội viên, trong đó 23 chị người Xêtiêng, đa số kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều chị thuộc hộ nghèo. Thành tích nổi bật của phụ nữ Bù Tam được huyện hội tặng giấy khen là xây dựng 4 tổ xoay vòng vốn, tổng vốn 38 triệu đồng, mỗi đợt cho 9 chị vay, 6 tháng trả. Là ấp nghèo nên hoạt động phong trào cũng khó, các chị người Xêtiêng tốt bụng nhưng nhận thức hạn chế, chị em di cư tham công tiếc việc. Để vận động phụ nữ vào hội, chị thường phải mua bánh kẹo, buổi tối sinh hoạt ở nhà văn hóa cộng đồng, tạo niềm vui cho chị em.

Chị em nghèo nên vận động gì cũng khó, chủ yếu do chị bỏ ra và đóng góp của các chị có kinh tế khá. Năm 2007, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phụ nữ Bù Tam nuôi heo đất 4/4 tổ; hũ gạo tình thương trút vào ngày 10 hàng tháng được 30-40 kg/lần, để hỗ trợ hội viên nghèo. Hội nhận hỗ trợ 10kg gạo/tháng cho anh Điểu Dét, 28 tuổi ở tổ 3 bị bệnh tâm thần. Heo đất  tiết kiệm xét cho hội viên nghèo vay không lãi. Năm 2012, chi hội tặng học bổng “Vượt khó học giỏi” 1 triệu đồng cho em Nguyễn Lâm Quỳnh Hương, lớp 11, trường THPT Lộc Hiệp. Ba mất, mẹ phải đi lao động nước ngoài, anh trai tốt nghiệp trường Cao đẳng Xây dựng nhưng phải ở nhà đi làm thuê. Để động viên Hương tiếp tục học, chị miễn phí xe đưa đón em đến trường.

Xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu, nhiệt tình với công tác xã hội, gia đình chi hội trưởng phụ nữ Trịnh Thị Long và Trưởng công an xã Bùi Văn Triều đã trở thành tấm gương học và làm theo Bác điển hình của Lộc Quang.

Phương Hà

  • Từ khóa
1748

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu