Thứ 6, 19/04/2024 13:41:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:30, 17/04/2014 GMT+7

Chiến dịch Điện Biên Phủ - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ

Thứ 5, 17/04/2014 | 10:30:00 2,429 lượt xem

Chiến thắng Điện Biên Phủ là điểm hội tụ, kết tinh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ chín năm gian lao mà anh dũng. Sự hội tụ, kết tinh thắng lợi đó quy về cội nguồn thì đó chính là từ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng được cắm trên nóc hầm tướng De Castries

Trong bài viết “Chiến dịch Điện Biên Phủ - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam,” Đại tá, phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Như Khôi, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, đã phân tích, chia sẻ về nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của Chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 60 năm về trước.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử. Từ sau sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó, về phía người chiến thắng và phía kẻ thua trận, vẫn chưa lý giải hết nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của sự thắng, thua đó.

Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi muốn trở lại với những gì đã xảy ra trong bao tháng ngày gian khổ và hào hùng đã qua, để quy đến ngọn nguồn của chiến thắng.

Điều đầu tiên phải khẳng định rằng không thể có đột nhiên một chiến thắng tầm cỡ như thế nếu không có chín năm kháng chiến gian lao mà anh dũng, đồng bào, chiến sỹ ta phải hy sinh nhiều của, nhiều người; không có những chiến công oanh liệt từ Nam Bộ Thành đồng kháng chiến, Hà Nội kìm chân quân Pháp trong thành phố, chiến thắng Việt Bắc, chiến thắng Biên giới... và phải có cả những chiến dịch không thành công để rút ra kinh nghiệm chỉ đạo chiến dịch.

Điện Biên Phủ là điểm hội tụ, kết tinh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sự hội tụ, kết tinh thắng lợi đó quy về cội nguồn thì đó chính là từ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Trong mọi hoạt động của mỗi người hay cả cộng đồng người, bao giờ cũng vậy, muốn thành công phải có bản lĩnh và trí tuệ. Bản lĩnh là sự vững vàng, kiên định. Trí tuệ là sự minh mẫn, sáng suốt. Bản lĩnh và trí tuệ thường hòa quyện và thống nhất với nhau. Phải có sự vững vàng, kiên định về tư tưởng thì mới minh mẫn, sáng suốt trong cách nghĩ, cách làm. Mặt khác, phải có sự minh mẫn, sáng suốt mới vững vàng, tự tin, dám làm và quyết làm.

Trong chiến tranh, điều này thể hiện càng rõ. Tổ chức hay người lãnh đạo, chỉ huy có bản lĩnh vững vàng mới dám đánh và quyết đánh. Có dám đánh và quyết đánh mới sáng suốt biết đánh, tìm ra cách đánh.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, đáng lẽ nhân dân Việt Nam được sống trong độc lập, hòa bình để kiến thiết nước nhà và chăm lo cuộc sống, nhưng thực dân Pháp hiếu chiến ỷ vào đội quân xâm lược nhà nghề cùng máy bay, xe tăng, tàu chiến trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng hạ tối hậu thư, bắt quân dân ta hạ vũ khí đầu hàng, trở lại cuộc sống nô lệ.

Song, Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, là quyết tâm của toàn thể quân dân Việt Nam: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” (trích "Hồ Chí Minh, Toàn tập," Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2002, tập 4, trang 480).

Cả nước đứng lên kháng chiến với đường lối toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Quân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của giặc Pháp. Đến năm 1953, ta đã hoàn toàn giành thế chủ động trên chiến trường, càng đánh, càng mạnh, càng thắng. Quân Pháp càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng.

Để cứu vãn tình thế, Thu-Đông 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cho ra đời kế hoạch Navarre (tên viên Trung tướng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương, một nhân tài quân sự trẻ tuổi của quân đội Pháp, được cử sang làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương) với hành động và ý đồ là: Tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, tăng thêm quân ngụy, xây dựng lực lượng cơ động mạnh, tập trung quân cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ, mở những chiến dịch lớn ra vùng căn cứ kháng chiến, giành thắng lợi có tính quyết định trong vòng 18 tháng để hướng tới một giải pháp chính trị trên thế mạnh.

Kế hoạch Navarre tuy ra đời trong thế thua, thế bị động, nhưng không kém phần nguy hiểm, vì đây là cố gắng cao nhất và cuối cùng của Pháp, lại được nhà cầm quyền Mỹ ủng hộ và chi viện lớn. Đến tháng 3-1954, Navarre đã đưa quân số lên 480.000, tổ chức thành 286 tiểu đoàn; trong đó có 85 tiểu đoàn Âu-Phi và tập trung gần 50% lực lượng quân đội, gần 50% lực lượng cơ động (44 tiểu đoàn) trên toàn chiến trường Đông Dương ra đồng bằng Bắc Bộ, coi đây là “vị trí then chốt của Đông Nam Á.”

Về phía ta, tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đã họp bàn kế hoạch chiến lược Đông-Xuân (1953-1954). Mặc dù vào lúc này, quân số của địch hơn ta nhiều, vũ khí trang bị của chúng đầy đủ và hiện đại hơn hẳn ta, nhưng Bộ Chính trị đã đề ra phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” với nguyên tắc chỉ đạo về quân sự là “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt”. Đó là một quyết tâm chiến lược rất cao.

Hướng chiến lược được lựa chọn là Tây Bắc. Để phá tan kế hoạch tập trung quân cơ động của địch, ta cũng mở nhiều chiến dịch tiến công ở các hướng Trung, Hạ Lào, Tây Nguyên, Thượng Lào và đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch tạm chiếm buộc địch phải rải quân ra nhiều hướng để giữ các vị trí chiến lược.

Thực hiện triển khai hướng tiến công chính là Tây Bắc, giữa tháng 11-1953, Đại đoàn 316 lên đường theo hướng Lai Châu. Lúc này, ở Tây Bắc, quân Pháp chỉ còn chiếm đóng Lai Châu, còn toàn bộ vùng Tây Bắc là vùng giải phóng của ta.

Giữa lúc có một không khí lạc quan về việc thực hiện kế hoạch Navarre trong giới chức Pháp-Mỹ thì Bộ Chỉ huy địch nhận được tin tức tình báo có một đơn vị chủ lực quân đội Việt Nam hành quân lên hướng Tây Bắc.

Không thể để mất toàn bộ vùng địa quân sự quan trọng Tây Bắc-Thượng Lào, ngày 20-11-1953, Navarre cho nhảy dù sáu tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Tiếp đó, Bộ Chỉ huy quân Pháp lại nhận được tin có nhiều đơn vị chủ lực, kể cả những đơn vị thiện chiến nhất của Việt Nam di chuyển lên hướng Tây Bắc. Hướng tiến công Tây Bắc của đối phương rõ dần.

Bộ Chỉ huy quân Pháp tính rằng với việc chiếm giữ vị trí chiến lược then chốt Điện Biên Phủ, sẽ có điều kiện để mở rộng chiếm giữ cả vùng Tây Bắc và Thượng Lào, đồng thời buộc ta phải chấp nhận một trận công kiên lớn mà ưu thế thuộc về phía Pháp với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn hẳn đối phương.

Đế quốc Mỹ còn tính xa hơn, Điện Biên Phủ là một căn cứ lục quân, không quân lợi hại, có thể phục vụ cho mưu đồ xâm lược của Mỹ ở Đông Nam Á sau này. Vì thế, cần phải giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào.

Với lực lượng mạnh, được tổ chức phòng ngự vững chắc, được chi viện bằng không quân, Điện Biên Phủ sẽ trở thành nơi thu hút, gây tổn thất lớn cho quân chủ lực Việt Nam. Như thế, đồng bằng Bắc Bộ sẽ không bị uy hiếp, lực lượng cơ động của Pháp sẽ có thời cơ bình định đồng bằng và mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn vào vùng căn cứ kháng chiến, làm thay đổi so sánh lực lượng và thế chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương.

Một vấn đề đặt ra là Điện Biên Phủ ở giữa vùng rừng núi xa xôi, tiếp tế khó khăn, nhưng Navarre và giới quân sự Pháp, Mỹ tính toán chủ quan rằng vấn đề tiếp tế hậu cần của quân Pháp ở Điện Biên Phủ có thể khắc phục được nhờ sự chi viện bằng đường không của Pháp, Mỹ.

Trái lại, về phía Việt Nam, từ trung tâm hậu phương kháng chiến đến Điện Biên Phủ gần 500km đường mòn luồn rừng, leo núi, việc vận tải tiếp tế chủ yếu bằng gánh bộ sẽ khó khăn gấp bội, không thể giải quyết được nhu cầu hậu cần của hàng vạn quân. Cân nhắc thuận lợi, khó khăn của hai bên, theo họ, phần thắng chắc chắn thuộc về phía Pháp.

Từ tính toán đó, Navarre quyết định rút quân từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, đồng thời tăng viện, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm 21 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, ba tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải và một phi đội không quân thường trực 14 máy bay, tổng quân số lên tới 16.200 quân (chiếm 1/3 lực lượng quân cơ động của Pháp tập trung trên chiến trường Bắc Bộ), phần lớn là các đơn vị Âu-Phi tinh nhuệ, ngoài ra còn một số đơn vị lính ngụy được huấn luyện dài ngày và trang bị vũ khí tốt.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí 49 cứ điểm, tổ chức thành tám cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng thủ, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hỏa lực mạnh, có các hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc xung quanh ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào.

Sân bay chính Mường Thanh và sân bay dự bị Hồng Cúm có thể hạ cánh gần 100 lượt máy bay mỗi ngày và chuyên chở khoảng 200-300 tấn quân dung, thả dù từ 100-150 binh sỹ.

Navarre còn dành 80% số máy bay của Pháp ở Đông Dương xuất phát từ sân bay Cát Bi, Gia Lâm và có sự chi viện của máy bay Mỹ từ tàu sân bay ở Vịnh Hạ Long thường xuyên bắn phá ác liệt vào đội hình chiến đấu và các tuyến đường vận tải tiếp tế của Việt Nam. Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ gồm các sỹ quan được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm chiến trường.

Với một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương như thế, Bộ Chỉ huy quân Pháp huênh hoang Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm và thách thức quân đội kháng chiến Việt Nam nghênh chiến. Họ tin chắc sẽ thu hút và “nghiền nát chủ lực đối phương” và đây sẽ là giải pháp quyết định thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp, Mỹ.

Như thế, Điện Biên Phủ ban đầu không có trong kế hoạch Navarre, nay đã trở thành quyết chiến điểm của kế hoạch Navarre.

Phía ta, từ khi địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh đã củng cố quyết tâm xác định Tây Bắc là hướng tác chiến chính và dự kiến phương án tác chiến tiến công Điện Biên Phủ.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp, nghe Tổng Quân ủy trình bày kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954, trong đó có phương án tác chiến tiến công Điện Biên Phủ và nhấn mạnh trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay.

Bộ Chính trị đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng lại có cái yếu cơ bản là bị cô lập, ở rất xa hậu phương địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không.

Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương, khó khăn về tiếp tế hậu cần cũng là rất lớn, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả tiền tuyến và hậu phương, ta có khả năng khắc phục được và quân dân ta chắc chắn đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ.

Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng, điều kiện thực tại và triển vọng tình hình của hai bên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy và chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Về tầm quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể Bộ Chính trị nhận định: “ Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của quân đội ta cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng.” (trích "Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập," Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2001, tập 15, trang 88).

Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh chiến dịch.

Thực hiện trận đối đầu lịch sử này, suốt mấy tháng trời chuẩn bị chiến dịch, Trung ương Đảng, Chính phủ, Hội đồng cung cấp mặt trận, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận đã huy động, tổ chức, chỉ huy quân và dân ta ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở hàng nghìn kilômét đường giao thông cho bộ đội ta chuyển quân, kéo pháo, chuẩn bị trận địa.

Một lực lượng quân sự lớn chưa từng có được huy động cho chiến dịch: 55.000 quân thuộc năm đại đoàn, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh chủ lực và các binh chủng kỹ thuật, cấp tập hành quân, tập kết siết chặt vòng vây, chuẩn bị giáng đòn sấm sét vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, hơn 260.000 dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong đã ngày đêm vừa làm đường, vừa vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm dưới làn bom đạn địch đáp ứng yêu cầu của mặt trận. Đó thực sự là những thử thách khốc liệt mà đồng bào ta đã vượt qua.

Trong chuẩn bị chiến dịch, cũng phải kể đến sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc, Liên Xô chi viện cho ta nhiều pháo mặt đất, pháo phòng không, xe vận tải, phương tiện vật chất kỹ thuật, quân trang, quân dụng cùng sự chia sẻ kinh nghiệm của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc.

Với tinh thần “ Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng,” đồng bào và chiến sỹ ở các địa phương, các chiến trường đã đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch và đẩy mạnh tiến công làm cho địch bị tổn thất nặng nề, hình thành thế trận phối hợp tuyệt vời với Điện Biên Phủ.

Trung tâm và tiêu biểu cho bản lĩnh, trí tuệ của quân, dân ta là trên mặt trận Điện Biên Phủ. Lúc đầu, Bộ Tham mưu chiến dịch, có sự tham gia ý kiến của đoàn cố vấn Bạn, xác định phương án tác chiến là “Đánh nhanh, giải quyết nhanh,” dùng ưu thế binh lực, hỏa lực đánh thọc sâu vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, rồi trong đánh ra, ngoài đánh vào, giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn. Mọi việc chuẩn bị cho phương án đó đã hoàn tất, người, súng đã vào vị trí sẵn sàng chờ lệnh tiến công.

Đại tướng Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp tổng kiểm tra lần cuối. Ông thấy phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” bộ đội sẽ thương vong nhiều mà không đảm bảo chắc thắng. Muốn chắc thắng phải thay đổi phương án tác chiến, từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc.”

Với bản lĩnh của một vị tư lệnh chiến trường, “tướng quân tại ngoại,” có trách nhiệm trước hết với thắng lợi của chiến dịch, trước xương máu của chiến sỹ, đồng bào, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã họp bàn tập thể Đảng ủy chiến dịch và có một quyết định lịch sử: Hoãn cuộc tiến công, chuẩn bị lại theo phương án “Đánh chắc, tiến chắc.”

Vì tình hình cấp bách, ông quyết định triển khai rồi mới cho người về báo cáo với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Phương án này được giấu kín, nghi binh khiến cho địch bất ngờ. Đó là sự thể hiện bản lĩnh và trí tuệ hòa quyện nhuần nhuyễn với nhau.

Ngày 13-3-1954, quân ta khai hỏa tiến công như vũ bão vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm với ba đợt chiến đấu vô cùng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, chiều 7-5-1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc thắng lợi chiến dịch. Toàn bộ quân địch gồm 16.200 tên và Bộ Chỉ huy do tướng De Castries cầm đầu đã bị tiêu diệt và đầu hàng. Điện Biên Phủ được giải phóng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ do nhiều nguyên nhân cụ thể từ phía ta, cả từ những toan tính sai lầm của địch, nhưng quy đến ngọn nguồn thì đó là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ của Bác Hồ, của Đảng, của những vị chỉ huy tài ba cũng như của toàn thể quân và dân Việt Nam. Bản lĩnh và trí tuệ ấy luôn là tiềm năng quý giá của dân tộc ta, biết khơi dậy, phát huy sẽ thành sức mạnh vĩ đại trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
11060

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu