Thứ 5, 02/05/2024 04:59:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:01, 24/06/2015 GMT+7

“Chiến hạm bằng đá” Cù Lao Câu

Thứ 4, 24/06/2015 | 09:01:00 212 lượt xem

BP - Bình Thuận nằm ven biển Nam Trung bộ, có nhiều hòn đảo đẹp. Ngoài đảo Phú Quý là địa điểm được nhiều người biết đến thì Cù Lao Câu (Hòn Câu) cũng là hòn đảo có nhiều đặc điểm riêng, với vẻ đẹp hoang sơ hiếm thấy của Bình Thuận. Cù Lao Câu thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, cách thành phố Phan Thiết khoảng 110km về hướng đông bắc. So với đảo Phú Quý, nếu đến Cù Lao Câu sẽ mất ít thời gian hơn, chỉ khoảng hơn 40 phút đi ghe máy là tới nơi.

Cù Lao Câu là hòn đảo nổi giữa biển, cách bờ khoảng 9km, có chiều dài trên 1.500m, nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất chỉ 7m, nổi lên giữa biển khơi như một chiến hạm. Theo ngư dân nơi đây cho biết, Hòn Câu là nơi có nhiều rau câu chân vịt nên người ta gọi là Cù Lao Câu. Cù Lao Câu khác biệt hơn so với đảo Phú Quý bởi bao quanh đảo có khá nhiều đá, bãi biển hoang sơ và khi thủy triều xuống thì để lộ những dải cát trắng có vô số vỏ ốc, vỏ sò rất đẹp. Trên đảo Hòn Câu, những bãi đá với hàng trăm tảng đá muôn hình khác nhau, tất cả như được sắp đặt một cách hài hòa dưới bàn tay của tạo hóa. Các bãi đá tại đây được người dân địa phương đặt cho những cái tên rất “đặc biệt” như: hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi San Hô... Thời tiết Cù Lao Câu có hai mùa rõ rệt: mùa gió nam và mùa gió bắc. Thời điểm từ tháng 1-6, biển êm, tàu thuyền neo đậu quanh đảo tấp nập, cây cối xanh tốt. Đây là thời điểm tốt nhất cho chúng ta khám phá Hòn Câu. Nhưng 6 tháng còn lại là mùa gió bắc khô cằn, khắc nghiệt, ít người ra đảo.

Đá ở đảo Cù Lao Câu - Ảnh internet

Điểm đặc biệt nhất của Hòn Câu là vùng nước xung quanh có sự hiện diện của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình, đó là những rạn san hô và thảm cỏ biển, có giá trị về đa dạng sinh học. Đây còn là nơi sinh sống và là bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm. Nước biển trong xanh để lộ những rặng san hô sống đủ hình dáng, màu sắc. Do nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước trồi, nên khu vực này được xem là nơi có ý nghĩa trong việc duy trì và bổ sung đa dạng sinh học, nhờ vào khả năng thích ứng san hô và sự thay đổi khí hậu. Trước kia, ngư dân đi biển mùa hè thường ghé lại Hòn Câu lấy trứng, lấy tổ yến, nhưng gần đây có sự bảo vệ của bộ đội nên họ không khai thác tổ yến nữa, vì vậy mà yến sinh sôi ngày càng nhiều. Cạnh hang Yến là hang Ba Hòn, một hang động lớn được tạo nên từ 3 hòn đá lớn dựng đứng. Hang Ba Hòn là điểm du khách dừng chân nghỉ ngơi, tránh nắng, ngắm nhìn đất trời biển đảo. Cùng với hang Ba Hòn, bãi Tắm Tiên cũng là một sự kỳ diệu được đá tạo nên ở Hòn Câu. Đó là một khu vực khép kín với các dãy đá dựng đứng bao quanh.

Trên đảo Hòn Câu ngoài đồn biên phòng chỉ có 2 hộ dân, nhưng vào mùa mưa bão những cư dân ít ỏi này cũng vào đất liền, qua mùa mưa bão mới ra đảo sinh sống. Chỉ vào ngày rằm tháng 4 âm lịch hằng năm, tàu thuyền của ngư dân mới nhộn nhịp đổ về, tập trung tại miếu thờ cá Ông trên đảo để tế lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá. Vào ngày này, ngư dân Tuy Phong tổ chức lễ hội Cầu Ngư truyền thống rất lớn để cầu mong một năm biển được mùa. Lễ hội cầu ngư trên đảo Cù Lao Câu thu hút đông đảo dân địa phương và du khách. Trên đảo còn có một đền thờ thần Nam Hải (cá voi). Vị thần mà theo tín ngưỡng của ngư dân rất linh thiêng, nhiều lần cứu nguy cho họ khi làm ăn trên biển bị nạn. Không biết ngôi đền do ai xây dựng và dựng vào thời nào nhưng phong tục tập quán và sự tín ngưỡng vị thần trong ngôi đền vẫn được giữ gìn, lưu truyền và thờ phụng một cách trang nghiêm từ xưa đến nay. Lễ cúng lớn nhất ở đền thờ thần Nam Hải trên Cù Lao Câu là vào dịp rằm và 16 tháng 4 âm lịch hằng năm.

Thế Nhàn

  • Từ khóa
89619

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu