Thứ 5, 28/03/2024 18:47:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 18:25, 22/03/2018 GMT+7

Chiến thắng An Lộc trong ký ức người Huyện đội trưởng

Thứ 5, 22/03/2018 | 18:25:00 8,268 lượt xem
BPO - Sau cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1968 và mùa Hè đỏ lửa 1972, Mỹ - ngụy càng tăng cường phòng thủ và chiến lược then chốt là phải giữ Bình Long, vì “Bình Long mất, Sài Gòn không còn”. Tuy nhiên, trước khí thế tiến công thần tốc và quyết liệt của quân và dân ta trên khắp các chiến trường trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã khiến cho tinh thần địch hoảng sợ. Đến ngày 23-3-1975, Bình Long hoàn toàn giải phóng. Trong không khí của những ngày tháng Ba lịch sử này, chúng tôi được trò chuyện, ghi lại những ký ức hào hùng năm xưa của ông Lê Minh Xước (Năm Xước), lúc bấy giờ là Huyện đội trưởng Bình Long.

Nguyên Huyện đội trưởng Bình Long Lê Minh Xước kể lại một thời hào hùng với chúng tôi

Lần lại những ký ức vẫn còn hằn sâu trong tâm trí, ông Năm Xước kể: Tháng 10-1971, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ với hướng tiến công chủ yếu là đường 13 và khu vực quyết chiến là Lộc Ninh - Hớn Quản. Bộ chỉ huy Quân giải phóng sử dụng Sư đoàn 5 đánh chiếm chi khu và quận lỵ Lộc Ninh, sau đó cùng Sư đoàn 9 công kích thị xã An Lộc. Sư đoàn 7 có nhiệm vụ đánh quân tiếp viện của địch từ Sài Gòn lên, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tiến công các mục tiêu trên. Khu vực chốt chặn của Sư đoàn 7 chủ yếu ở đường 13, đoạn từ Tàu Ô đến Xóm Ruộng (phía bắc Chơn Thành 3km). Các sư đoàn chủ lực của Quân giải phóng kết hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội địa phương hình thành thế bố trí liên hoàn, bao vây chia cắt địa hình phòng ngự của địch.

Sau trận đánh nghi binh ở Thiện Ngôn - Xa Mát, buộc địch phải tập trung chống đỡ bằng cách điều quân đi chốt giữ các vị trí chiến lược trên tuyến đường 22. Lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 5-4-1972, Sư đoàn 5 Quân giải phóng mở trận tấn công mãnh liệt vào cụm cứ điểm Lộc Ninh - trọng điểm chính của chiến dịch Nguyễn Huệ và Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng vào ngày 7-4-1972.

Cổng chào vào thị xã Bình Long anh hùng trên quốc lộ 13

Thời điểm này, các lực lượng vũ trang Bình Long cùng quân chủ lực tấn công và làm chủ hoàn toàn các cứ điểm quân sự xung yếu của địch trên đường 13. Ở đông bắc thị xã An Lộc, một bộ phận của Sư đoàn 9 cùng du kích, bộ đội tỉnh tấn công và chiếm lĩnh căn cứ Téc-ních (trung tâm thông tin của địch) và cứ điểm Phố Lố. Mất Lộc Ninh, địch quyết giữ Bình Long và tăng cường thêm lực lượng lớn quân lực, đẩy mạnh hoạt động đưa máy bay B52 rải thảm dọc theo đường 13, cày nát mặt đất, gây ra bao đau thương mất mát cho quân, dân Bình Long. “Các trận địa pháo 175mm “vua chiến trường”, pháo 105mm, súng cối các loại yểm trợ hỏa lực suốt ngày đêm, trên bầu trời các loại máy bay trinh sát L19, trực thăng HU1A, HC47, máy bay phản lực ném bom A37, F5 liên tục quần thảo bắn rốc két, ném bom cháy Napan, bom sát thương, bom xuyên phá... vào đội hình chiến đấu của ta. Bộ đội ta hy sinh ngày một nhiều, song quyết tâm giải phóng thị xã An Lộc vẫn không đổi”, nguyên Huyện đội trưởng Lê Minh Xước nhấn mạnh.

Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, Trung đoàn 141 và 165 quân giải phóng đã thọc xuống phía nam Hớn Quản, tiêu diệt, bức rút hàng loạt đồn bốt địch, giải phóng một vùng rộng lớn từ Minh Hòa, Minh Thanh, Sở Tư, Sa Cát, Tân Khai đến Đức Vinh, Cần Đâm, Xa Trạch, làm chủ đoạn đường 13 từ Hớn Quản (An Lộc) đến Chơn Thành. Thị xã An Lộc bị quân giải phóng bao vây, không còn đường vào, ra, địch phải tiếp vận bằng đường hàng không.

Địa danh Tàu Ô - Xóm Ruộng hiện nay là di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bình Phước. Tại đây có tượng đài chiến thắng tưởng niệm 1.083 anh hùng liệt sĩ và hàng ngàn người dân đã ngã xuống trong chiến dịch phòng ngự 150 ngày đêm (từ tháng 4 đến tháng 8-1972), giữ vững trận địa, ngăn chặn bước tiến của quân địch trên đường 13 về An Lộc của Sư đoàn 7 Quân giải phóng.

Từ giữa tháng 4-1972, bộ đội huyện cùng với đặc công tỉnh phối hợp tiến công ở ngoại vi và kiềm chân địch để quân chủ lực ta tiến sâu vào nội thị. Trong các ngày 21 và 22-4-1972, bộ đội đặc công tỉnh, du kích huyện phối hợp với 2 trung đoàn độc lập Miền tấn công chiếm lại Núi Gió và cao điểm 169, tiêu diệt phần lớn Tiểu đoàn 6 và Ban chỉ huy Lữ đoàn dù - lực lượng tiếp cứu thị xã An Lộc của địch, số còn lại phải tìm đường rút lui khỏi chiến trường Bình Long. Chiến dịch Nguyễn Huệ trên chiến trường Lộc Ninh - Bình Long đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Để tạo điều kiện cho việc thực hiện chiến lược trong tình hình mới, Trung ương Cục quyết định thành lập tỉnh Bình Phước.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, huyện Bình Long có nhiều bộ phận xã, ấp thuộc vùng giải phóng, nhưng những vùng địch đang chiếm giữ đều có vị trí chiến lược và thị xã An Lộc là một sào huyệt lớn của địch. Vì thế, Đảng bộ Bình Long đã củng cố và tăng cường thực lực cách mạng bằng các đại đội hùng mạnh làm nhiệm vụ thế chân cho các đơn vị chủ lực vây ép địch trên đường 13.

Ngày 25-3-1975, Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã khẳng định thời cơ chiến lược đã đến, phải tập trung nhanh nhất lực lượng, phương tiện để giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước sức ép của quân cách mạng ngày càng thắt chặt, địch ở chi khu Bình Long và thị xã An Lộc rơi vào hỗn loạn, ngày 23-3-1975, thị xã An Lộc và toàn bộ huyện Hớn Quản được hoàn toàn giải phóng.

“Kết thúc Chiến dịch Nguyễn Huệ, tại Bình Long ta bắt sống 28.000 quân Mỹ - ngụy. Kết thúc chiến tranh, Bình Long có 598 gia đình liệt sĩ (539 gia đình liệt sĩ thời chống Mỹ), 700 thương bệnh binh và hàng ngàn gia đình có công với cách mạng; 11 tập thể, 3 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”- ông Lê Minh Xước cho biết.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Chuyển sang giai đoạn mới, các địa phương hợp thành huyện Bình Long vượt qua mọi khó khăn, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, kể từ khi thị xã Bình Long được thành lập, trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài, nhưng tăng trưởng kinh tế của Bình Long vẫn ổn định với tốc độ bình quân hơn 16%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng công nghiệp - thương mại - dịch vụ chiếm tỷ lệ cao. Thu ngân sách hàng năm đều vượt kế hoạch. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng… Quân và dân Bình Long đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thanh Mảng (Lược ghi theo lời kể của ông Lê Minh Xước, tháng 3-2018)

  • Từ khóa
20232

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu