Thứ 6, 29/03/2024 14:51:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:16, 21/11/2018 GMT+7

Chính phủ điện tử khác chính phủ truyền thống như thế nào?

Thứ 4, 21/11/2018 | 06:16:00 5,666 lượt xem
BP - Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử là những cụm từ được nhắc tới khá nhiều trong thời gian qua. Chính phủ điện tử là hình mẫu hành chính nhiều quốc gia đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, chính phủ điện tử là chính phủ như thế nào, chính phủ điện tử có gì khác so với chính phủ truyền thống là điều còn khá mới mẻ với phần lớn người dân và cả với những cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống chính quyền ở nước ta.

24 GIỜ MỖI NGÀY, 7 NGÀY MỖI TUẦN, 365 NGÀY MỖI NĂM VÀ Ở... BẤT CỨ NƠI ĐÂU

Đến nay, có rất nhiều khái niệm khác nhau về chính phủ điện tử. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thế giới cho rằng, thuật ngữ chính phủ điện tử nhằm chỉ việc sử dụng công nghệ thông tin liên lạc mới của chính phủ vào thực hiện các chức năng khác nhau của chính phủ, trong đó internet mang lại thay đổi cấu trúc và phương thức hoạt động của chính phủ. Tổ chức Liên hợp quốc (UN) và Hiệp hội Hành chính Hoa Kỳ (ASPA) cho rằng, chính phủ điện tử là việc chính phủ khai thác các tính năng internet và World wide web (www) vào cung cấp thông tin và dịch vụ tới người dân và các đối tượng khác trong xã hội. Một số học giả cho rằng, ngoài ứng dụng internet và web, chính phủ điện tử còn bao hàm những ứng dụng công nghệ thông tin khác như cơ sở dữ liệu điện tử, mạng lưới, dịch vụ tự động, đa phương tiện, công nghệ định danh cá nhân... Một góc độ khác cho rằng, chính phủ điện tử là mối quan hệ chính phủ, khách hàng (là doanh nghiệp, người dân và các chính phủ khác) với nhà cung cấp (cũng là doanh nghiệp, người dân và các chính phủ khác).

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh (nay là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) cho đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Ảnh: S.H

Nhìn chung, các khái niệm về chính phủ điện tử đều coi đó là việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thông tin vào điều hành của chính phủ và tương tác của chính phủ đối với các thành tố khác trong xã hội như công dân, doanh nghiệp... nhằm phân phối dịch vụ trực tiếp tới khách hàng không giới hạn thời gian. Có thể rút ra một số đặc điểm chung về chính phủ điện tử như sau: Chính phủ điện tử là chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để tự động hóa và triển khai các thủ tục hành chính. Chính phủ điện tử cho phép công dân có thể truy cập các thủ tục hành chính thông qua các phương tiện điện tử như internet, điện thoại di động, truyền hình tương tác... Chính phủ điện tử là chính phủ làm việc với người dân 24/24 giờ, 7 ngày mỗi tuần, 365 ngày mỗi năm và người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ công dù họ ở bất cứ đâu.

Từ những đặc điểm đó cho thấy chính phủ điện tử có nhiều điểm khác so với chính phủ truyền thống. Với chính phủ truyền thống, quá trình quản lý hành chính trong nội bộ các cơ quan nhà nước diễn ra thủ công, tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Người dân không thể liên lạc với chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước ngoài giờ hành chính, không thể ở bất cứ nơi nào ngoài trụ sở của các cơ quan nhà nước. Người dân không thể đăng ký lấy giấy phép kinh doanh, làm khai sinh cho con mình hay đóng thuế trước bạ 24/24 giờ, 7/7 ngày và ở bất cứ đâu. Chính phủ điện tử có thể khắc phục được những hạn chế này của chính phủ truyền thống.

Ngoài ra, sự khác biệt chủ yếu giữa chính phủ điện tử và chính phủ truyền thống là sự khác biệt về tốc độ xử lý giữa các thủ tục hành chính được tự động hóa so với các thủ tục hành chính được xử lý thủ công. Việc tự động hóa thủ tục hành chính của chính phủ điện tử cho phép xử lý các thủ tục nhanh hơn, gọn hơn, đơn giản hơn rất nhiều. Không những thế, thông tin được cung cấp cho người dân còn đầy đủ, chính xác, dễ dàng, minh bạch hơn. Người dân cũng giảm nhiều chi phí để thu thập các thông tin này...

CUỘC CÁCH MẠNG VỚI HÀNH CHÍNH CÔNG

Chính phủ điện tử thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người làm trong khu vực công. Vì tác động của nó có thể làm thay đổi những học thuyết quản lý và tổ chức ra đời trong kỷ nguyên công nghệ trước đó. Sự ra đời của máy đánh chữ, máy photo hay gần hơn là máy tính cá nhân chỉ mang tính chất hỗ trợ công việc cho nhân viên hành chính, còn bản chất công việc vẫn không thay đổi. Nhưng sự ra đời của chính phủ điện tử có thể tác động lớn tới phương thức vận hành của nền hành chính và xa hơn nữa là làm thay đổi quan niệm về chính phủ và mối quan hệ của chính phủ với thành phần khác trong xã hội.

Ngày 15-1-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 109/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là quyết định chính thức đầu tiên của Thủ tướng nhằm hướng tới thành lập một ủy ban quốc gia chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử ở nước ta. Ngày 14-10-2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, nâng vị trí của Việt Nam về chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng…

Ngày 28-8-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch ủy ban, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó chủ tịch ủy ban. Ngày 20-9-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việc phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam đã được định hướng từ lâu và việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được thực hiện ở nhiều cấp, ngành, giúp người dân quen với môi trường điện tử, môi trường mạng. Nhưng thực tế, xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam vẫn đứng thứ hạng thấp trên thế giới và ASEAN. Điều đó cho thấy cần thúc đẩy và quyết tâm hơn trong xây dựng chính phủ điện tử.

Internet và chính phủ điện tử sẽ giảm đi nhiều cấp quản lý trung gian. Nguyên do đầu tiên là chính phủ điện tử làm thay đổi phương thức tương tác giữa người dân và doanh nghiệp với nhà cung cấp dịch vụ công (chính phủ). Trước đây, vai trò cấp quản lý trung gian là tiếp nhận, sắp xếp thông tin, sau đó chuyển tiếp thông tin lên quản lý cấp cao hơn. Tuy nhiên, ứng dụng web cho phép người dân, doanh nghiệp tương tác trực tiếp với cấp quản lý cao hơn nên vai trò của quản lý cấp trung gian sẽ giảm. Tiếp đó là sự thay đổi về nhu cầu và tính chất công việc của nhân viên thuộc cấp. Như với sự trợ giúp của máy móc và các quy trình công khai, nhân viên cấp dưới có thể giải quyết được những vấn đề phức tạp hơn nhiều, những việc mà trước đây cần ý kiến chỉ đạo của quản lý cấp trên. Công việc quản lý truyền thống như giám sát giờ, tiến độ làm việc cũng được thực hiện tự động và chuyển dữ liệu về máy chủ...

Sự ra đời của chính phủ điện tử là một cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển hành chính công. Chính phủ điện tử sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất và cung ứng dịch vụ công nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Chính phủ điện tử cũng đặt ra những thách thức lớn hơn bao giờ hết, đặc biệt là sự biến đổi không ngừng với tốc độ nhanh về công nghệ khiến các dự án công nghệ trong khu vực công luôn đứng trước nguy cơ lạc hậu. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao để khai thác hết tiềm năng chính phủ điện tử cũng là vấn đề vô cùng quan trọng với các nhà quản lý.

H.Nguyên
(Thông tin trong bài viết sử dụng kết quả nghiên cứu, giảng dạy của nhiều học giả)

  • Từ khóa
24274

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu