Thứ 6, 29/03/2024 01:19:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:45, 28/09/2019 GMT+7

Chính sách của Đảng nâng cao vị thế nữ DTTS - Bài 1

Thứ 7, 28/09/2019 | 08:45:00 269 lượt xem

BP - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương; Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Không ngoại lệ, Bình Phước đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS nói riêng, vừa tạo bình đẳng vừa phát huy được năng lực, trí tuệ của những trí thức người DTTS. Đây cũng là thuận lợi để phụ nữ DTTS có cơ hội vươn lên, xóa bỏ rào cản và từng bước nâng cao vị thế.

CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NỮ DTTS

Chính sách đặc thù dành cho nữ DTTS là yêu cầu khách quan của đất nước, cũng là cơ hội để phụ nữ vùng khó khăn vươn lên. Bình Phước là tỉnh đa sắc màu dân tộc với 40 DTTS nên chính sách ưu tiên đặc biệt dành cho phụ nữ DTTS càng trở nên quan trọng, bức thiết. Chính sách không chỉ giúp chị em vươn lên có cuộc sống tốt hơn về mọi mặt mà còn là cơ hội thể hiện năng lực bản thân, cống hiến tài năng, trí tuệ và tâm huyết xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng phát triển, xứng tầm một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Cú hích” từ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ DTTS 

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm thực hiện chính sách để nữ DTTS được hưởng quyền lợi đặc thù. Đó là việc triển khai hàng loạt các Quyết định số 449/QĐ-TTg, 2356/QĐ-TTg, 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; Nghị định số 101/20l7/NĐ-CP, 52/NQ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030... Ở Bình Phước, ngày 14-12-2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2018/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Bên cạnh những chính sách chung, cán bộ, công chức nữ DTTS còn được hỗ trợ thêm tiền ăn, ở, tiền đi lại, đặc biệt ngoài được hỗ trợ 0,3 lần mức lương cơ sở/người/tháng, hỗ trợ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi 0,3 lần mức lương cơ sở/người/tháng thì còn được hưởng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Bên cạnh đó, nữ DTTS cử tuyển đại học sau khi tốt nghiệp được quan tâm bố trí công việc phù hợp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV Điểu Huỳnh Sang (thứ 2 từ phải sang) chụp hình lưu niệm với các đại biểu và Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại một kỳ họp Quốc hội

Bắt đầu làm việc tại UBND xã Đồng Nai (Bù Đăng), chị Thị Rơi (1986) chỉ có tấm bằng tốt nghiệp THPT, chưa có trình độ chuyên môn. Nhưng nhờ những chính sách dành cho người DTTS, hiện chị đã đạt chuẩn về trình độ để đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Chị Rơi phấn khởi nói: “Được lãnh đạo xã quan tâm xem xét cử đi học trung cấp lý luận chính trị diện ưu tiên tại huyện Bù Đăng và bản thân vượt khó đi học đại học tại chức ngành Luật ở Đắk Lắk, tôi được cập nhật kiến thức, rèn luyện bản lĩnh. Điều đó giúp tôi tự tin và triển khai hiệu quả các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phụ nữ góp sức xây dựng nông thôn mới..., đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XI về “Đẩy mạnh thực hiện một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái”.

Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 21-2-2014 của UBND tỉnh là bước đột phá trong chính sách dân tộc. Bên cạnh phát triển giáo dục, đào tạo, tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu tiên, cử tuyển dành cho con em đồng bào DTTS vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thì tỉnh ưu tiên đào tạo y, bác sĩ người DTTS; thực hiện tốt chế độ miễn giảm viện phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS nghèo. Để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS, vùng sâu, xa, vùng DTTS, tỉnh cũng đã có kế hoạch tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học cử tuyển từ loại khá trở lên bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ để bổ nhiệm làm phó chủ tịch UBND xã. Trong đó ưu tiên xã đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới có đông đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ: “Nhìn chung, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS trong những năm qua không ngừng được đẩy mạnh. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo từng chức danh đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng giải quyết công việc. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, ngày càng tăng số lượng và nâng chất trình độ, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của hệ thống chính trị tại cơ sở”.

Tập trung nguồn lực cho vùng sâu, xa, DTTS

Cùng với cả nước, bên cạnh triển khai chính sách của Chính phủ và bộ, ngành Trung ương, Bình Phước có nhiều chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mỗi năm tỉnh dành 3-5% nguồn thu ngân sách của tỉnh đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đời sống đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện, kinh tế phát triển. Năm 2018, ngân sách tỉnh đã bố trí 4,1 tỷ đồng phân bổ cho UBND các huyện, thị xã thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 12-4-2019 phê duyệt Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại tổ đại biểu - Hội trường Diên Hồng kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên DTTS học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngoài tỉnh có điều kiện học tập tốt hơn. Đến nay, Bình Phước đào tạo, bồi dưỡng hơn 1.300 lượt cán bộ, công chức người DTTS. Trong đó có 142 cán bộ, công chức được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; 149 cán bộ, công chức đào tạo ngoại ngữ, kiến thức quốc phòng; tổ chức 4 lớp bồi dưỡng tin học văn phòng cho 120 cán bộ, công chức người DTTS cấp xã. Các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã cử nhiều lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ công tác dân tộc. Thời gian qua, tỉnh còn hỗ trợ trên 2.000 lượt sinh viên người DTTS ngoài diện cử tuyển đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân từ nguồn ngân sách tỉnh, định mức hỗ trợ 40% mức lương cơ sở/tháng, thời gian hỗ trợ 10 tháng/năm.

Thị Na (1994), người S’tiêng, làm cộng tác viên xã hội ở UBND xã Đồng Nai được hơn 3 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. “Tuy không được hưởng ưu đãi của chế độ cử tuyển dành cho con em người DTTS là miễn học phí, có trợ cấp hằng tháng nhưng em cũng vui vì khi có giấy báo đậu đại học, Ban Dân tộc tỉnh đã gửi thư mời nhận kinh phí hỗ trợ. Việc làm đó cũng góp phần động viên em nỗ lực hơn trong học tập” - Thị Na vui vẻ chia sẻ.

Ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: “Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nói chung, nữ DTTS nói riêng giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng cao. Nhiệm kỳ 2016-2021, tỉnh Bình Phước có 1 nữ đại biểu Quốc hội người DTTS, chiếm 16,66% so với tổng đại biểu Quốc hội ở tỉnh; nữ DTTS tham gia đại biểu HĐND tỉnh chiếm 8,69% so với tổng nữ đại biểu HĐND tỉnh. Điều này càng khẳng định sự quan tâm, đầu tư và cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền tỉnh cũng như sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của đội ngũ trí thức người DTTS nói chung và các nữ trí thức người DTTS nói riêng”.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
30208

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu