Thứ 6, 19/04/2024 16:01:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:44, 01/03/2017 GMT+7

Chính sách hợp lòng dân

Thứ 4, 01/03/2017 | 08:44:00 153 lượt xem
BP - Ngày 6-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP về “Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai” và có hiệu lực thi hành từ ngày 3-3-2017. Nghị định này có nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, nghị định đã bổ sung một số quy định cụ thể về đất đai như: Thu hồi đất với trường hợp người sử dụng đất không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà đã bị cưỡng chế thực hiện nhưng chưa chấp hành; thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ngoài ra, nghị định cũng quy định về việc sử dụng đất đối với trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xử lý quyền sử dụng đất đang cho thuê, đang thế chấp khi Nhà nước thu hồi... Một nội dung đáng chú ý là nghị định cho phép UBND cấp tỉnh được quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa đối với từng loại đất phù hợp điều kiện của địa phương.

Đặc biệt, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP cho phép những trường hợp người dân mua bán đất bằng giấy tờ tay từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008 nhưng hội đủ các điều kiện như: Phù hợp quy hoạch, không lấn chiếm, không tranh chấp... thì được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thay đổi này giúp rất nhiều trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay được hợp thức hóa. Ở tỉnh Bình Phước, do điều kiện lịch sử, người dân di cư từ các nơi khác đến tự mua bán đất với nhau nên những trường hợp như vậy hiện cũng còn khá nhiều. Người dân đang rất mong mảnh đất của mình được công nhận quyền sử dụng để an tâm làm ăn sinh sống.

Điểm mới thứ hai được dư luận hoan nghênh là việc rút ngắn thủ tục hành chính. Theo đó, đa số thủ tục về giấy tờ đất đai được rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện so với trước. Ví dụ thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho cá nhân và tổ chức tối đa 15 ngày so với quy định cũ 30 ngày; đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền trên đất; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá tài sản... thực hiện không quá 10 ngày, so với quy định hiện hành không quá 15 ngày; cấp lại sổ đỏ bị mất không quá 10 ngày, so với quy định hiện nay không quá 30 ngày; giảm tối đa 15 ngày xuống còn 10 ngày với thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất...

Tuy vậy, nhiều người cho rằng: Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014 vì vậy nên cho phép hợp thức hóa những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy viết tay đến ngày 1-7-2014. Điều này vừa giúp Nhà nước có thể thu được thuế, tiền sử dụng đất vừa giúp việc quản lý đất đai dễ dàng hơn mà người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay cũng có được chỗ ở hợp pháp. Cùng với đó là thủ tục để làm sổ đỏ cần phải đơn giản. Bởi trong thực tế, có nhiều quy định rất thoáng, nhưng khi đi làm giấy tờ người dân vẫn bị “hành”. Do đó, thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này cần quy định chi tiết, rõ ràng các loại giấy tờ cần thiết mà người dân phải nộp. Song song đó, các địa phương nếu có quy định thêm vấn đề gì cần công khai cho dân biết.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu