Thứ 6, 19/04/2024 04:57:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:18, 08/03/2017 GMT+7

Chỉnh trang đô thị nhìn từ xã hội hóa ở Lộc Ninh

Thứ 4, 08/03/2017 | 07:18:00 1,387 lượt xem
BP - Khởi động từ năm 1998, đến nay công trình nạo vét, xây kè và mở đường cặp 2 bên suối chợ trung tâm thị trấn Lộc Ninh theo phương thức “Nhà nước đầu tư - nhân dân hiến mặt bằng” đã đi được 1/3 chặng đường khó nhất. Thành công của công trình là tạo được cảnh quan đô thị xanh - sạch, đặc biệt là giải quyết ngập lụt cục bộ xảy ra ở chợ Lộc Ninh và khu dân cư thuộc các khu phố Ninh Thịnh, Ninh Phước, Ninh Phú. Đây cũng là công trình đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn của Đảng bộ Lộc Ninh thành công đang được các huyện, thị trong tỉnh học tập làm theo...

Dòng suối được nạo vét, xây kè hai bên bờ từ cầu Ngập đến chợ Lộc Ninh nên từ nhiều năm nay dân cư trong khu vực không còn bị ô nhiễm vì rác và ngập lụt mỗi khi mùa mưa đếnDòng suối được nạo vét, xây kè hai bên bờ từ cầu Ngập đến chợ Lộc Ninh nên từ nhiều năm nay dân cư trong khu vực không còn bị ô nhiễm vì rác và ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến

TẠO CẢNH QUAN ĐÔ THỊ, CHỐNG NGẬP ÚNG

Những năm gần đây, tại thị trấn Lộc Ninh con đường bê tông rộng, xe tải, xe du lịch chạy dọc bờ suối đã được xây kè tạo diện mạo đô thị khang trang, văn minh. Nhiều người ví công trình nạo vét lòng suối, xây kè, mở đường của Lộc Ninh như dự án “Cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” - niềm tự hào của người dân TP. Hồ Chí Minh. Người dân thị trấn Lộc Ninh nói chung và tiểu thương chợ Lộc Ninh nói riêng rất phấn khởi vì không còn phải lo sợ mất tài sản do lũ bất ngờ xảy ra vào mùa mưa.

Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trần Thị Ánh Tuyết cho biết: Đảng bộ Lộc Ninh qua nhiều nhiệm kỳ luôn trăn trở là huyện đầu tiên của miền Nam giải phóng, thủ phủ của cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam nhưng so với các đô thị trên địa bàn tỉnh thì cơ sở hạ tầng ở Lộc Ninh ít được đầu tư. Là huyện thuần nông, có đường biên giới dài nhất tỉnh và phải dành kinh phí đầu tư cho khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa nên Lộc Ninh còn nhiều khó khăn...

Đô thị Lộc Ninh được hình thành từ thời Pháp thuộc (dinh điền cao su) nằm trên thung lũng có nhiều con suối chảy qua, địa hình dốc. Người dân chủ yếu định cư dọc 2 bên bờ suối. Trong 2 thập niên của cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI rừng đầu nguồn bị thu hẹp để nhường chỗ cho rừng trồng cao su nên hằng năm những tháng mưa lớn kéo dài đã làm nước từ hồ rừng cấm ào ào đổ xuống lòng suối gây ngập úng khu dân cư dọc con suối ở các khu phố Ninh Phú, Ninh Phước, Ninh Thạnh. Ngập lũ dâng cao có khi đến hơn 1,5m và xảy ra vào ban đêm đã làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng của người dân và tiểu thương chợ Lộc Ninh. Thêm vào đó, dân cư sinh sống và xây dựng tự do dọc hai bên suối làm mất cảnh quan, xả rác thải sinh hoạt ra môi trường đã làm đô thị Lộc Ninh càng thua kém diện mạo các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh phải chỉnh trang đô thị từ nguồn nội lực. Trong hoàn cảnh kinh phí rất hạn hẹp, Huyện ủy, UBND huyện xây dựng dự án công trình xã hội hóa nạo vét suối chợ, xây kè và mở đường cặp hai bên đường suối thị trấn và các xã lân cận, thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nghị quyết Đảng bộ huyện triển khai từ năm 1998 (vận động nhân dân giao mặt bằng không đền bù).

Dự án được chia làm nhiều giai đoạn: Năm 2004, xây bờ kè suối, nạo vét và làm mới đường cặp 2 bên suối từ cầu Ngập (khu phố Ninh Phú) đến cầu Chợ dài 1.000m, kinh phí 3,6 tỷ đồng. Năm 2012, nạo vét, xây dựng bờ kè suối, khu dân cư 2 khu phố Ninh Phước và Ninh Phú dài 1.100m, kinh phí 1,7 tỷ đồng. Năm 2013, xây bờ kè làm đường bê tông suối từ cầu Ngập đến cầu Lâm Trường dài 750m, kinh phí 4,5 tỷ đồng. Năm 2016, nạo vét suối từ thị trấn Lộc Ninh đến ấp 6 (cầu Đỏ) xã Lộc Thái, kinh phí 14 tỷ đồng. Cũng giai đoạn này đã bước đầu thông được dòng chảy lòng suối nên mùa mưa năm 2016, không còn xảy ra lũ lụt khu chợ Lộc Ninh và ngập úng khu vực Lộc Thái. Theo đó, suối còn điều hòa giữ nước tưới phục vụ sản xuất trong mùa khô.

NHÂN DÂN ĐỒNG THUẬN

Cũng như nhiều dự án xây dựng khác, giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn nhất. Vì lợi ích thiết thực của nhân dân, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để vận động sự đồng thuận của người dân giải tỏa không đền bù. Do đó, dự án đã được hơn 90% hộ dân ủng hộ giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân cho biết thêm, với công trình này Lộc Ninh chọn việc khó để làm trước, đó là giải phóng mặt bằng khu dân cư dọc suối chợ chỉ 1km nhưng thị trấn đã phải vận động trong 6 năm họp dân liên tục. Bí thư Đảng ủy thị trấn Lộc Ninh Phạm Đình Dần trong gần 20 năm đã trải qua nhiều cương vị như Chủ tịch UBMTTQVN, Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã, ông được Huyện ủy Lộc Ninh ghi nhận tấm lòng nhiệt huyết trong vận động người dân giao mặt bằng sạch để thi công. Trong đó, không ít hộ ông phải tận dụng thời gian thích hợp gặp gỡ các thành viên trong gia đình nhiều lần, thời gian dài để vận động. Điều đáng nói là công trình chỉ có vài hộ phải cưỡng chế nhưng khi lực lượng xuống thì người dân đều tự nguyện di dời, không xảy ra điểm nóng đụng độ...

Bí thư Đảng ủy thị trấn Lộc Ninh Phạm Đình Dần cho biết, khó khăn trong giải phóng mặt bằng là do trước đây (tỉnh Sông Bé cũ) cấp sổ trắng không trừ hành lang bờ suối nên người dân tận dụng xây dựng công trình, trồng cây sát suối, có trường hợp làm cả trên lòng suối. Do đó, khi đo chính quy cấp sổ đỏ (năm 2003) nhiều hộ đã không đổi sổ để hưởng lợi. Đa phần hộ dân khu suối chợ sống nhờ dịch vụ, buôn bán nên khó giải tỏa trắng vì ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày. Cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm vận động những hộ chưa thấy được quyền lợi và sự cần thiết phải nạo vét suối, xây kè, song song làm đường cặp theo suối để dân có đường đi. Tái định cư với những hộ giải tỏa trắng ở vị trí thuận lợi để họ tiếp tục làm nghề cũ, đồng thời cho nợ tiền đất, trả dần với những hộ khó khăn...

Quyết liệt thực hiện chỉnh trang đô thị, công trình nạo vét, xây kè, làm đường suối chợ với chiều dài 10km nay đã hoàn thành 1/3 ở đoạn khó nhất. Dự kiến từ năm 2017, công trình thực hiện đoạn từ cầu sắt (cổng sau Nhà máy chế biến mủ Lộc Ninh) đến cầu đường biên phòng đi xã Lộc Thuận dài 1,5km, ước kinh phí 30 tỷ đồng; xây kè suối khu phố Ninh Phú giai đoạn 2 dài 300m, kinh phí 1,6 tỷ đồng; xây dựng bờ kè và đường dọc hai bên suối đoạn cầu biên phòng đi xã Lộc Thuận đến cầu Đỏ (xã Lộc Thái) dài 3km, ước kinh phí 60 tỷ đồng, nạo vét suối cầu Mua đi xã Lộc Thiện dài 2,5km, ước 2 tỷ đồng...

Phương Hà

  • Từ khóa
41391

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu