Thứ 5, 25/04/2024 06:49:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:53, 01/02/2018 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Cho đời “nở hoa”

Thứ 5, 01/02/2018 | 06:53:00 130 lượt xem
BP - Mỗi người một hoàn cảnh, nghề nghiệp, là anh thợ hồ hoặc chị công chức ở xã có đến gần 70% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số - An Khương (Hớn Quản), nhưng tựu chung ở họ là tấm lòng nhân ái, yêu thương, sống hết mình vì mọi người. Với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, họ đã lấy mình, người thân làm minh chứng trong tuyên truyền, vận động “hiến giọt máu đào” để “trao đời sự sống”, cho “hoa việc thiện” nảy nở, khoe sắc thắm.

TRAO ĐỜI SỰ SỐNG

Ở xã còn khó khăn, đời sống và trình độ dân trí chưa đồng đều nhưng ở đó có nhiều tấm lòng vì nghĩa quên mình. Đó là gia đình anh Chang Sray Thành, dân tộc S’tiêng tại ấp 5. Ở căn nhà nhỏ đơn sơ được Nhà nước hỗ trợ xây nhiều năm trước, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ban ngày anh làm thợ hồ, đêm phụ vợ đi cạo mủ cao su thuê, vậy mà chưa lần nào trong danh sách hiến máu ở xã An Khương thiếu tên anh. Chỉ năm 2016, anh bị tai nạn gãy xương vai, 1 tuần sau anh xung phong đi hiến máu nhưng Hội Chữ thập đỏ xã không đồng ý vì sức khỏe anh không đảm bảo. Sau khi mổ lấy nẹp 1 tuần, anh tiếp tục đi hiến. Một số người biết anh vừa mổ xong, nói anh liều mạng. Hôm đó, đêm đi cạo, ngày hiến máu, vì vậy 2 vợ chồng bàn nhau chi 50 ngàn đồng thuê người trút mủ, anh Thành nghỉ buổi đi xây để vượt 30km ra huyện hiến máu. Sau này, anh luôn là người có mặt ở điểm cho máu sớm nhất để về kịp đi xây.

Vợ chồng chị Ngô Thị Thanh Thủy (bên phải) và vợ chồng anh Ngô Công Ngân đã hiến máu 93 lần

Anh là một trong 15 thành viên Câu lạc bộ hiến máu ở An Khương với nhóm máu chuyên cho RH+. Năm 2006, xã có trường hợp bị mổ tim cần truyền máu, anh và các thành viên câu lạc bộ đã nghỉ việc để về thành phố Hồ Chí Minh 3 lần mới hiến được máu do phải làm thủ tục liên quan ca mổ của người bệnh. “Lần đó mình vừa hiến máu xong được bác sĩ cho 2 hộp sữa, ổ bánh mì. Ra ngoài hành lang gặp người mẹ bế cô bé chừng 6 tuổi người tím tái, mình cho hết. Hỏi ra mới biết bé bị bệnh tim, gia đình không có tiền mổ và mua máu để truyền. Cầm nước mắt không đặng, lúc đó ước gì máu mình như nước giếng để có thể cho tiếp cháu bé. Hình ảnh đó cứ luẩn quẩn trong đầu, từ đó mình tâm nguyện phải làm sao để ngày càng có nhiều người hiến máu” - anh Thành kể.

Để nhiều người tham gia hiến máu, trước mắt anh Thành vận động mọi người trong gia đình. Bằng thông điệp “hiến máu cứu người”, giúp phát hiện bệnh, đến nay gia đình anh có 8 người hiến máu. Nhiều nhất là anh, 40 tuổi, với 29 lần. Anh và vợ cùng các em rể Điểu Quang, Điểu Thé hiến 90 lần. Trong đó, Điểu Quang, Phó trưởng Công an xã hiến 27 lần. Được gia đình ủng hộ hết lòng đã tiếp thêm niềm tin, động lực để anh Thành vận động người dân. Trong những lần uống cà phê hay gặp người làm thuê chung, bà con lối xóm, lần nào anh cũng dùng chiêu “rủ rê”. “Đi ra huyện hiến máu đông vui như hội. Đi thử một lần cho biết, lần sau không đi cũng không sao. Hiến máu còn giúp mình phát hiện bệnh, kịp thời chữa trị. Em trai mình hiến máu về phát hiện sớm bệnh viêm gan siêu vi B, giờ uống thuốc hết bệnh. Có 2 trường hợp được anh vận động phát hiện bệnh đã chữa trị kịp thời. Lửa nhiệt huyết của anh đã lan truyền đến Điểu Thành, Điểu Điều ở cùng ấp, sau khi hiến máu về các anh lại vận động người thân, gia đình cùng tham gia.

Dần dần phong trào lan rộng, số người hiến máu nhân lên. Không có điều kiện tìm hiểu kiến thức nhưng anh Thành đã dùng cái tâm, sự chân thành vận động được trên 10 người đi hiến máu.

TRẢ NỢ ÂN TÌNH

“Năm 1997, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi tôi mang thai ngoài tử cung, thai lớn dần làm tắc vòi trứng dẫn đến bị vỡ túi thai cần truyền máu gấp, Trung tâm Y tế huyện Bình Long (nay là thị xã Bình Long) phải hoãn lại một trường hợp mổ ruột thừa để ưu tiên ê-kíp mổ cấp cứu cho tôi, tuy nhiên bệnh viện không còn nguồn máu dự trữ. Cũng may trung tâm kịp thời mượn được nguồn máu ở bệnh viện khác để truyền gấp, cứu sống tôi trong gang tấc” - chị Ngô Thị Thanh Thủy ở ấp 5 kể về khoảnh khắc “thập tử nhất sinh” trong đời. Xuất viện, nợ ân tình từ giọt máu được tiếp đó thôi thúc chị phải hành động. Vì vậy, chị không ngại khó, khổ, lặn lội đi tuyên truyền vận động gia đình, cộng đồng cùng tham gia hiến máu cứu người. Chị tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi khi có thể nhằm thay đổi nhận thức sai lầm về hiến máu trong số đông. Là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị sưu tầm, tích lũy, tiếp cận kiến thức về truyền máu qua tập huấn, internet, sách, báo, đồng thời đầu tư bài bản về kỹ năng, kịch bản tuyên truyền phù hợp từng đối tượng, tính hài hước, thuyết phục. Nhờ cái duyên trong vận động cùng câu chuyện của bản thân làm minh chứng, chị đã vận động được trên 10 người hiến máu.

Lấy việc của chị gái làm động lực, anh Ngô Công Ngân, em trai chị Thủy, sau 3 năm đầu xua đi nỗi sợ hãi “đi chỉ để nhìn”, đến năm thứ tư anh mạnh dạn hiến máu. “Sợ cây kim nhưng vì nhờ những giọt máu ấy mà chị gái được cứu sống kịp thời trong gang tấc, đó là động lực để mình hiến máu” - anh Ngân nói. Cứ thế chồng truyền tai vợ, lần lượt đi hiến. Gia đình chị Thủy là một trong 3 cặp vợ chồng tích cực hiến máu ở xã An Khương. Trong đó vợ chồng chị Thủy 55 lần, vợ chồng anh Ngân 38 lần.

Ông Trần Văn Sinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Khương cho biết: “Toàn xã có 17/46 người hiến máu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, ấp 5 có những gia đình nòng cốt dẫn đầu phong trào. Mỗi đợt hiến máu, gia đình anh Chang Sray Thành đi đầu trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Lúc đầu họ còn sợ nhưng đi riết thành quen, đến đợt chưa thấy thông báo là họ đến Hội Chữ thập đỏ xã hỏi lịch hiến. Đối với người Kinh, hội giao gia đình chị Ngô Thị Thanh Thủy đi tuyên truyền. Nhờ đó qua các năm, xã An Khương luôn thực hiện vượt chỉ tiêu hiến máu. Năm 2017, xã vượt 36% chỉ tiêu giao”.

Thông điệp “Hiến giọt máu đào, trao niềm hy vọng” cùng hành động đẹp, những con người giàu lòng nhân ái, yêu thương cộng đồng nơi đất nghèo này đã tạo hiệu ứng lan tỏa, là gương sáng cho người dân và đồng bào dân tộc thiểu số An Khương về tinh thần hiến máu tình nguyện.

Thanh Mai

  • Từ khóa
60176

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu