Thứ 4, 24/04/2024 18:29:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:40, 26/11/2015 GMT+7

Chồng chất khó khăn ở Thạnh Tây (Bài cuối)

Thứ 5, 26/11/2015 | 06:40:00 195 lượt xem

BAO GIỜ HẾT KHÓ...?

>> Bài 1: 20 năm mòn mỏi chờ điện

BP - Đây là câu hỏi khó có thể trả lời không chỉ đối với người dân ấp Thạnh Tây mà ngay cả lãnh đạo UBND xã Lộc Tấn cũng không biết đến khi nào ấp mới thoát khỏi nghèo khó. Là xã biên giới, đất chỉ thích hợp trồng cao su và hoa màu nhưng hiện giá mủ đang xuống thấp báo động; giao thông không thuận tiện nên sự vươn lên trong cuộc sống của người dân gặp nhiều trở ngại.

NHẬP NHẰNG SỔ GIAO VÀ SỔ THUÊ

Những năm gần đây, người dân ấp Thạnh Tây rất bức xúc về việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đất). Họ không biết sổ đất của gia đình là sổ giao hay thuê và vì sao lại có tình trạng 2 mảnh đất ở gần nhà nhau nhưng 1 mảnh là sổ giao, 1 mảnh là sổ thuê.

Hộ anh Lê Đình Thông ở tổ 4, tháng 10-2015, nhận thông báo của Chi cục Thuế huyện Lộc Ninh về việc đóng phí thuê đất với nợ đọng trên 6 triệu đồng. Nhưng anh Thông không hiểu tại sao đất nhà mình lại là đất thuê. Khi cầm sổ đất, gia đình anh vẫn cho rằng sổ đất giao và thuê là 1. Đến khi nhận được thông báo mới biết, đất của gia đình anh được thuê với thời hạn 50 năm. “Năm 2010, được cán bộ xã thông báo, nếu đất có diện tích trên 3.000m2 mới phải trả tiền phí thuê đất, còn dưới 3.000m2 thì nhận sổ giao nên gia đình tôi mới vội hoàn tất thủ tục làm sổ. Kế bên nhà tôi, họ được nhận sổ giao, còn gia đình tôi diện tích đất chỉ hơn 900m2 lại phải đóng phí thuê đất hằng năm” - anh Thông cho biết.

Người dân ấp Thạnh Tây gặp nhiều khó khăn khi đi lại vì đường đi xấu, thậm chí bị cô lập về mùa mưa

Gia đình anh Thông từ Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Thạnh Tây từ năm 1997. Kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, mấy năm nay mủ cao su mất giá, vợ chồng anh phải đi làm thuê để nuôi con ăn học. Anh Thông làm sổ đất từ năm 2012 nhưng không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc thu phí đất. Đến đầu năm 2015, gia đình anh mới nhận được thông báo phải thanh toán tiền thuê đất năm 2015 hơn 1,4 triệu đồng và nợ đọng từ năm 2012-2014 gần 5 triệu đồng. Gia đình anh lo lắng, nếu không nộp tiền sẽ bị thu hồi đất. Nhưng với hoàn cảnh hiện nay thì số tiền ấy rất khó có thể trả được.

Gia đình bà Trịnh Thị Khuê ở tổ 6 cũng đang trong tình trạng “dở khóc, dở cười” khi Chi cục Thuế huyện gửi thông báo với số tiền thuê đất lên đến gần 35 triệu đồng. “Gia đình tôi có 6.000m2 đất. Năm 2012, khi làm sổ xong, vì cần tiền nên chúng tôi cầm sổ ra ngân hàng để vay vốn. Khi ra ngân hàng, tôi mới biết sổ đất của gia đình là sổ thuê và phải nộp 7,2 triệu đồng mới được vay tiền. Mấy năm nay không thấy ai nói về khoản tiền này nên tôi không biết. Đến đầu năm 2015, gia đình tôi nhận được thông báo đóng tiền thuê đất lớn như vậy. Bị thu hồi đất chúng tôi cũng đành chịu, chứ không thể xoay nổi tiền mà đóng thuê” - bà Khuê nói.

Đất đai cằn cỗi, 4 năm trở lại đây bà Khuê đã trồng cao su, đến nay vẫn chưa được thu. Hằng ngày, gia đình bà phải thuê đất 135 của đồng bào dân tộc thiểu số để trồng cà pháo, ớt, rau... để bán kiếm thêm thu nhập. Đông con nên cả gia đình chỉ trông chờ vào mảnh vườn. Lo cái ăn cho cả nhà đã khó thì số tiền gần 35 triệu đồng là quá lớn với gia đình bà Khuê.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện hơn một nửa số hộ dân ở ấp Thạnh Tây không dám làm sổ đất vì làm xong sẽ không có tiền nộp. Người dân ở đây rất lo lắng vì không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh quyền sử dụng đất của gia đình. Họ sợ đất bị thu hồi, cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn.

KHỔ VÌ ĐƯỜNG

Là ấp có diện tích rộng nhất xã Lộc Tấn nhưng hiện ở Thạnh Tây không có con đường nào đúng nghĩa. Đi từ tổ 1 đến tổ 8, chúng tôi chỉ cắm cúi nhìn đường vì chỉ sơ suất là bị ngã.

“Tôi nhận công tác ở xã được 3 năm. Khi mới về, tôi cũng nghe phản ánh của nhiều người dân về việc họ không được hướng dẫn, giải thích cụ thể về sổ thuê, thuê bao nhiêu năm, khu vực nào thuê 50 năm, khu vực nào thuê hằng năm... nên mới có tình trạng như hiện nay. Trước đây, theo quyết định của UBND tỉnh là diện tích trên 3.000m2 sẽ cấp sổ thuê nhưng việc cấp sổ cũng gặp nhiều bất cập. Có hộ ở địa phương khác đến Lộc Tấn sinh sống chỉ vài tháng cũng được cấp sổ giao, còn người dân ở lâu năm lại không được cấp. Vì vậy nên có quyết định mới là chỉ làm sổ giao cho những hộ dân tộc thiểu số theo Chương trình 135, còn lại tất cả sẽ là sổ thuê, gây khó khăn cho người dân. Không chỉ ấp Thạnh Tây mà trên cả địa bàn xã đều có thực trạng này”.

Ông Dương Ngọc Huấn, cán bộ địa chính xã Lộc Tấn

Nắng bụi, mưa ngập lụt, một trận mưa lớn thì cả ấp Thạnh Tây bị cô lập, nhất là ở tổ 7, tổ 8 người dân thường gọi là khu vực sông Sài Gòn. Toàn ấp có 5 điểm bị ngập. Mưa lớn thì việc đến trường của học sinh, sinh hoạt của từng gia đình bị đảo lộn. Theo Ban điều hành ấp, cầu Ba Lĩnh ở tổ 4 nối với khu 32 hộ ở tổ 8, nhưng vào mùa mưa, nước ngập qua cầu. Nếu người dân có việc đột xuất ở tổ 8 phải đi đường vòng qua ấp Bàu Núi gần 20km mới đến nơi. Vì vậy, không phải khu vực có sông suối nhưng ấp Thạnh Tây lại được xã cấp phao cứu trợ vào mùa mưa.

Hiện ở ấp có một điểm lẻ của Trường tiểu học Lộc Tấn B nhưng lại là lớp học ghép gồm lớp 1, 2. Học đến lớp 3, các em phải ra điểm chính ở ấp Thạnh Đông cách điểm lẻ 7km hoặc ấp Bàu Núi cách gần 15km. Cô Nguyễn Thị Xuyên, giáo viên điểm trường ở ấp Thạnh Tây cho biết: “Học sinh đi học rất vất vả. Điểm chính của trường xa, đường đi khó nên xe đưa rước học sinh không thể vào đến nơi đón, vì vậy các em nghỉ học là điều không tránh khỏi”.

Đến bao giờ các hộ dân ở ấp Thạnh Tây đều có điện, không còn nhập nhằng về sổ đất và cô lập vào mùa mưa như hiện nay? Đó không chỉ là câu hỏi của riêng chúng tôi mà còn đối với những ai một lần chứng kiến khó khăn của người dân trong ấp.

Hải Yến

  • Từ khóa
92789

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu