Thứ 5, 18/04/2024 14:14:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:28, 18/09/2014 GMT+7

Chống tham nhũng vẫn đang nửa vời

Thứ 5, 18/09/2014 | 08:28:00 131 lượt xem

BP - Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23-11-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2013. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng và nhận xét của dư luận thì hiệu quả của việc thực hiện đạo luật này chưa cao. Nguyên nhân là do những quy định trong luật và các văn bản dưới luật về vấn đề này vẫn còn thiếu các biện pháp đảm bảo thực hiện dẫn đến hiệu lực thi hành còn rất hạn chế.

Cụ thể, trong đạo luật này chưa có những quy định cụ thể, đủ sức mạnh để siết lại công việc kê khai tài sản cho đảm bảo thực chất, công khai và minh bạch. Chính vì thế, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức khi chỉ dựa vào ý thức tự giác, hầu hết không được kiểm tra, xác minh. Cùng với đó là quy định về nghĩa vụ phải giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm gắn với người có nghĩa vụ kê khai chưa hợp lý... Đồng thời, chưa có quy định rõ về việc xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực hay giải trình không hợp lý.

Để đảm bảo cho việc minh bạch tài sản, thu nhập đi vào thực chất hơn, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hiệu quả các hành vi tham nhũng, đầu năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Tiếp đó, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 08/2013/TT-TTCP hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Theo đó, người kê khai tài sản, thu nhập phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; giao cho các cơ quan kiểm tra đảng, thanh tra, quản lý cán bộ chủ động xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có yêu cầu của người có thẩm quyền và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm...

Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào quy định rõ nếu không thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch thì xử lý thế nào? Bên cạnh đó, cũng chưa có quy định cụ thể nào về nội dung, hình thức, phương thức để người dân tiếp cận việc công khai thu nhập của cơ quan, tổ chức. Hơn nữa, từ Luật Phòng, chống tham nhũng đến các văn bản hướng dẫn thi hành đạo luật này đều không có điều, khoản nào quy định việc minh bạch tài sản, thu nhập không những là nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức mà còn là nghĩa vụ của mọi công dân để tránh những hành vi tiêu cực, tham nhũng...

Chính vì lý do trên nên từ nhiều năm nay, khi đánh giá về tình hình tham nhũng, người ta dùng nhiều cụm từ quá chung chung. Ví dụ như trong các báo cáo của không ít đơn vị, chúng ta vẫn thường thấy có nhận định rằng cơ quan này, đơn vị kia... chưa quyết liệt chống tham nhũng. Thế nhưng, nếu quyết liệt chống tham nhũng thì việc này được định lượng như thế nào? Và chính vì không có tiêu chí cụ thể cho việc này nên rốt cuộc không có ai bị xử lý khi chưa quyết liệt chống tham nhũng. Đồng thời với thực tế trên là trong thời gian qua, chúng ta quá kỳ vọng vào việc tự chống, tự phát hiện của mỗi cơ quan, tổ chức và còn nặng nề về hô hào. Đó là các phong trào, như: Nói không với phong bì, Nói không với tiêu cực...

Trong khi đó, hiện ở nước ta, Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người dân, doanh nghiệp nói chung cũng như của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Vì thế việc kêu gọi tự giác là cần thiết nhưng chưa đủ, để chống được tham nhũng phải nắm vững nguyên tắc vận hành quyền lực. Một khi quyền lực nằm trong tay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, nếu không được kiểm soát, không sớm thì muộn sẽ bị tha hóa. Đó là một thực tế đã được kiểm chứng trên thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài quy luật này.

N.V

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu