Thứ 6, 29/03/2024 05:52:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:46, 19/01/2019 GMT+7

Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển

Thứ 7, 19/01/2019 | 08:46:00 459 lượt xem
BP - Trong xu thế hội nhập, khoa học và công nghệ (KH&CN) là yếu tố tác động lớn đến phát triển kinh tế và là chìa khóa cho việc hội nhập thành công; rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước bắt kịp với các nước trên thế giới. Với mục tiêu này, năm 2018 hoạt động KH&CN ở Bình Phước đã có những chuyển biến tích cực, hướng trọng tâm vào triển khai các mô hình sản xuất mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh đã đề ra.

Năm 2018, Sở KH&CN đã phối hợp các viện, trường, sở, ngành, đơn vị trong và ngoài tỉnh thực hiện 18 nhiệm vụ và triển khai mới 1 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Sở tổ chức quản lý, theo dõi 21 đề tài, dự án; đồng thời triển khai mới 9 đề tài. Hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay đã có sự đổi mới, đáng chú ý là tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách thông thoáng tạo môi trường thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức thực hiện những đề tài, dự án có tính ứng dụng cao, đáp ứng đòi hỏi thực tế của địa phương.

Vườn bưởi da xanh của hộ ông Trần Văn Dũng, ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long) canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP do Sở Khoa học và Công nghệ cùng Hội Nông dân tỉnh thực hiệnVườn bưởi da xanh của hộ ông Trần Văn Dũng, ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long) canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP do Sở Khoa học và Công nghệ cùng Hội Nông dân tỉnh thực hiện

Các đề tài bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực giống mới, nông nghiệp công nghệ cao, Vietgap. Điển hình như đề tài “Ứng dụng công nghệ sản xuất cá rô phi toàn đực và đánh giá khả năng phát triển và hiệu quả kinh tế của cá rô phi nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước”; “Phân tích, xác định các chất có giá trị dược liệu và xây dựng mô hình trồng nấm xích chi mọc trên thân cây họ tre nứa trong môi trường nhân tạo và xâm nhiễm vào môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập”; “Nghiên cứu thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước và đề xuất giải pháp” và các đề tài như nghiên cứu tiềm năng, cơ hội khởi nghiệp của thanh niên nông thôn, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn tại các nhà máy chế biến hạt điều...  Ngoài ra, sở còn phối hợp Hội Nông dân tỉnh triển khai đề án xây dựng thương hiệu Vietgap cho 10 ha bưởi da xanh ở thị xã Bình Long, thành phố Đồng Xoài và huyện Lộc Ninh.

Gia đình ông Trần Văn Dũng, ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long) trồng 2,5 ha bưởi da xanh. Vườn bưởi này trong đề án “Xây dựng 4 ha bưởi theo tiêu chuẩn Vietgap tại ấp Thanh An”. Vườn bưởi khá xanh tốt và bắt đầu cho trái. Để chăm sóc vườn bưởi, gia đình ông Dũng thực hiện đúng quy trình sản xuất sạch từ chọn giống, làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn Vietgap. Ấp Thanh An, xã Thanh Lương hiện có hơn 1.000 ha cây ăn trái, trong đó khoảng hơn 200 ha cây có múi nói chung và trên 40 ha cây bưởi nói riêng. Nhiều năm qua, giá cả và đầu ra của trái cây, nhất là bưởi của hộ dân trong ấp rất bấp bênh, phụ thuộc thương lái, khó thâm nhập thị trường lớn vì chưa có thương hiệu. Việc Sở KH&CN cùng Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu Vietgap là hướng đi mới giúp nông dân trồng bưởi của ấp Thanh An yên tâm sản xuất.

Vườn bưởi da xanh hơn 4 ha của hộ ông Nguyễn Thanh Tâm, khu phố Phước Bình, phường Tân Xuân (Đồng Xoài) cũng trong đề án xây dựng thương hiệu Vietgap do Sở KH&CN cùng Hội Nông dân tỉnh thực hiện. Từ khi nhận được sự hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản sạch, gia đình ông Tâm đã nhanh chóng triển khai trồng bưởi theo đúng quy chuẩn. Ông Tâm cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng cây ăn trái theo kiểu tự phát. Khi được các cấp, ngành hỗ trợ xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản, tôi thực hiện ngay vì khi có thương hiệu, tức sản phẩm sẽ có chỗ đứng trên thị trường không lo điệp khúc được mùa - dội chợ - mất giá hay được mùa - tư thương ép giá như trước”.

Ông Hà Anh Dũng, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, trong các năm tiếp theo, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông nghiệp; tìm đầu ra và nâng tầm giá trị cho các mặt hàng nông sản của tỉnh, góp phần đưa sản phẩm tiếp cận thị trường tốt hơn. Trong nghiên cứu khoa học, sở sẽ dành 60-70% cho phát triển nông nghiệp, xây dựng, phát triển quảng bá thương hiệu nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

Gia Nghi

  • Từ khóa
39748

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu