Thứ 4, 24/04/2024 22:00:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:00, 06/12/2018 GMT+7

Chữ ký số, chữ ký điện tử

Thứ 5, 06/12/2018 | 15:00:00 146 lượt xem

BP - Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: Chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử. Chứng thực chữ ký điện tử là việc xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử. Chương trình ký điện tử là chương trình máy tính được thiết lập để hoạt động độc lập hoặc thông qua thiết bị, hệ thống thông tin, chương trình máy tính khác nhằm tạo ra một chữ ký điện tử đặc trưng cho người ký thông điệp dữ liệu.

Điều 3 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15-2-2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, quy định: Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác: Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa. Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa chữ ký số như sau:

Chữ ký số là một tập con của chữ ký điện tử, có thể dùng định nghĩa về chữ ký điện tử thay cho chữ ký số. Chữ ký điện tử là thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản, hình ảnh, video...) nhằm mục đích xác định người chủ của dữ liệu đó. Cũng có thể sử dụng định nghĩa rộng hơn, bao hàm cả mã nhận thực và các thiết bị bút điện tử.

Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử. Chữ ký số được tạo ra bởi người ký đóng vai trò như chữ ký đối với cá nhân hay con dấu đối với doanh nghiệp và được thừa nhận về mặt pháp lý. Chữ ký số được coi là phương án giải quyết tốt nhất mọi vấn đề khi giao dịch trên môi trường internet và còn được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực bảo mật cao khác.

Triển khai chính phủ điện tử hay chính quyền điện tử, một trong những thay đổi rất lớn là thực hiện chữ ký số điện tử. Tháng 8-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 78-KH/TU về việc triển khai ứng dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan đảng, mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Bình Phước năm 2017. Ngày 5-11-2018, UBND tỉnh tổ chức tập huấn ứng dụng ký số trên văn bản điện tử, bàn giao thiết bị chữ ký số cho lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và trưởng, phó các phòng, ban, trung tâm. Việc ứng dụng chữ ký số được thử nghiệm trong tháng 11-2018 và đưa vào hoạt động chính thức tại Văn phòng UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố của tỉnh bắt đầu thử nghiệm ứng dụng chữ ký số từ ngày 1-12-2018. Vậy chữ ký số, chữ ký điện tử là gì và ứng dụng như thế nào?

Chữ ký số dựa trên công nghệ mã khóa công khai (RSA): Mỗi người dùng phải có 1 cặp khóa (keypair) bao gồm khóa công khai (public key) và khóa bí mật (private key). Khóa bí mật là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được dùng để tạo chữ ký số. Khóa công khai là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được sử dụng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi khóa bí mật tương ứng trong cặp khóa.

Ký số là việc đưa khóa bí mật vào một chương trình phần mềm để tự động tạo và gắn chữ ký số vào thông điệp dữ liệu. “Người ký” là thuê bao dùng đúng khóa bí mật của mình để ký số vào một thông điệp dữ liệu dưới tên của mình. “Người nhận” là tổ chức, cá nhân nhận được thông điệp dữ liệu và được ký số bởi người ký, sử dụng chứng thư số của người ký đó để kiểm tra chữ ký số trong thông điệp dữ liệu nhận được và tiến hành các hoạt động, giao dịch có liên quan.

Ngày nay, chữ ký số ứng dụng trong cả hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cả trong các hoạt động thương mại điện tử.

H. Nguyên

  • Từ khóa
61543

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu