Thứ 4, 24/04/2024 07:50:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:13, 06/01/2015 GMT+7

CHÀO MỪNG 40 NĂM GIẢI PHÓNG PHƯỚC LONG

Phước Long những ngày đầu giải phóng

Thứ 3, 06/01/2015 | 09:13:00 4,134 lượt xem
BP - Những ngày đầu năm 2015, Đảng bộ, nhân dân thị xã Phước Long nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung tràn ngập niềm vui kỷ niệm 40 năm Phước Long - tỉnh lỵ đầu tiên của miền Nam - được giải phóng, mở đầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Phước Long 40 năm về trước được nhà báo Phong Nguyễn ghi chép trên Báo Giải Phóng, số ra ngày 19-1-1975 với tựa đề “Phước Long những ngày giải phóng đầu tiên”:

Xe tăng trong đội hình Đại đội Tăng 10 do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thành chỉ huy cùng bộ binh tấn công vào Dinh tỉnh trưởng Phước Long ngày 6-1-1975  -  Ảnh T.L

“Có lẽ trên những nẻo đường về tỉnh lỵ Phước Long chưa bao giờ rộn rịp như bây giờ. Từ thị xã Phước Bình đi Bù Đăng, Bù Na, Đồng Xoài, Bù Đốp... các con đường chật chội xe cộ và từng đoàn người nối nhau xuôi ngược. Vùng mới giải phóng của tỉnh Bình Phước vẽ trên muôn màn bức tranh sinh động và biến đổi từng ngày một, theo nhịp độ phát triển đi lên của cách mạng.

... Ấn tượng đậm nét của tôi là hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số, mình trần trụi đóng chiếc khố nhỏ thô sơ. Họ đang gồng gánh gia sản từ các khu gom dân trong thị xã trở về sóc, ấp trong những đồi dốc lồ ô bạt ngàn. Chính sách tập trung dân của các đời Mỹ - ngụy đã thay phiên nhau gom xúc những người dân lam lũ nhốt vào cái và không thể gọi gì khác hơn là: chuồng! Tôi có ý định mà chưa tìm được cái “ty sắc tộc” của địch đặt quanh quẩn đâu đây, để có thể biết thêm những điều chứng minh cho sự man rợ của Mỹ - Thiệu, bọn phân biệt chủng tộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, cứ nhìn những bộ mặt hồ hởi, những bàn chân lấm lem đất đỏ; những tấm lưng còng xuống vì gùi, ché nặng trên vai, ta có thể xúc động đến trào nước mắt chỉ vì ta hiểu được thế nào là cái nhục trong cái “chuồng người” và thế nào là cái vui của con chim sổ lồng bay về tổ ấm.

Cũng giản dị và trong lành như chuyển về của người dân tộc, người nông dân Phước Long còn mang theo mình tình cảm đằm thắm khi trở lại quê hương từ lâu bị giấu đút trong rừng lồ ô. Tôi đã nhận thấy điều này ở Bù Nho. Đó là một xóm nhỏ vỏn vẹn 11 mái nhà. Từ những ngôi nhà lợp lá trung quân này, cán bộ cách mạng bắt liên lạc với những ngôi nhà nông dân khác phía bên kia hàng rào kẽm gai. Những cuộc đấu tranh phá kềm, những hạt gạo, hạt muối, gói trà, điếu thuốc từ trong rào gai đã cung cấp cho cán bộ cách mạng nhiều chất mới để chắt chiu, gây dựng thành phong trào.

Và cuối cùng, trong dòng người xuôi ngược ấy, chắc không ít đồng bào ta mang nặng tâm sự khác nhau. Đó là những bà con nạn nhân của chính sách dồn quân, bắt lính “Việt Nam hóa chiến tranh”. Cách mạng đã coi họ là “những gia đình đau khổ”, những tiếng hù dọa của địch vang lên hàng ngày đã làm họ không nhận ra điều đó... Những điều băn khoăn sâu kín và dằn vặt ấy đã hiện rõ trên từng khuôn mặt. Lớp thanh thiếu niên cũng thật đáng thương... Tù binh thì thiểu não và hình như sợ sệt với mặc cảm vì tội lỗi của họ. Như từ trong tối buớc ra ánh sáng, họ lóa mắt trước sự thật và họ không ngờ được về sự nhân đạo của cách mạng, trước hết là lo gạo muối, ăn, ngủ của cả 18 nghìn dân sơ tán, cách mạng làm sao mà đầy đủ như vậy?

7 giờ ngày 6-1-1975, quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn Tiểu khu quân sự thị xã Phước Long. Đây là điểm cuối cùng của quân địch ở tỉnh Phước Long đã thuộc quyền làm chủ của quân giải phóng.

Quân ta đã tiêu diệt 5 tiểu đoàn, trong đó có 3 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn biệt kích nhảy dù số 81 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 bộ binh; 3 đại đội pháo binh cơ giới và cảnh sát dã chiến, 20 trung đội dân vệ. Quân ta đã bắn rơi 4 máy bay lên thẳng và máy bay vận tải, thu toàn bộ vũ khí cùng nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Tỉnh Phước Long với 4 vạn dân đã được giải phóng hoàn toàn. (Thông tấn xã Giải phóng).

Ngày 14-1-1975, tôi đi từ Bù Nho về Đa Kia, hai nơi tạm trú này tập trung phần đông mấy vạn dân thị xã Phước Long và thị trấn Phước Bình sơ tán. Một khối lớn lương thực và thực phẩm đã được chở tới tấp về các nơi này để trợ cấp cho đồng bào. Sự cố gắng rất lớn của chính quyền địa phương đã đem lại kết quả phi thường: không người dân nào đến nơi mà không có cơm ăn, do đó cũng không thiếu tiếng hát và tiếng cười. Từ trong các lán ở làm việc của cán bộ, kề cận với các lán của đồng bào đã vang tiếng cười nói của những anh “lính” vừa trình diện. Họ đã trở lại cái tuổi thanh xuân vốn dĩ hồn nhiên. Nhiều “lính” đã tham gia công tác xã hội, giúp dân khi đau yếu, làm những nơi công cộng và tải gạo cứu tế. Hơn thế, nhiều thanh niên xin gia nhập cơ quan cách mạng. Trong các dãy trại của đồng bào, các bữa ăn đã vui vầy, trẻ em trở lại các trò chơi và ca hát. Ở một ngã tư, đột ngột một chiếc xe bán hàng lưu động dừng lại với nhiều món hàng cần thiết: đường, muối, thuốc lá, trà...

Ở Hồ Long Thủy, thuộc trung tâm thị xã Phước Long, chính quyền cách mạng đã từng bước đưa dân sơ tán trở về nhà cũ. Đây là chủ trương rất đúng lúc và cần thiết, giải tỏa được băn khoăn của nhiều người: Cách mạng có “ấp chiến lược” không? Và những người trở về đều nhất trí với nhau nhận xét “nhà nào có bộ đội ở, nhà đó còn nguyên vẹn”. Đây là cách bày tỏ lòng yêu mến, tiếp theo sự khâm phục của đồng bào, vốn đã có từ lâu với anh giải phóng quân. Nhưng cán bộ và bộ đội đã làm xong những việc lớn hơn, nhằm dọn dẹp những cái đổ nát, chuẩn bị cho bộ mặt của một thành phố giải phóng mà đồng bào là những người tiếp quản sau cùng có trách nhiệm kế tục công việc đó.

Kể từ ngày ấy, một “giai đoạn” nữa của thành phố giải phóng Phước Long bắt đầu. Đó là giai đoạn thật sự ổn định đời sống, giai đoạn làm chủ vùng giải phóng và chánh quyền cách mạng của nhân dân”.                               

Phương Hà
(sưu tầm và trích lược)

  • Từ khóa
12408

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu