Thứ 5, 28/03/2024 23:29:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:21, 17/05/2013 GMT+7

Niềm vui nhân đôi

Thứ 6, 17/05/2013 | 10:21:00 485 lượt xem

>> Đậu Bá Kiên đoạt HCB triển lãm quốc tế sáng tạo KH-CN trẻ

Tin em Đậu Bá Kiên, học sinh lớp 9D, trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ (Bù Đăng) đoạt huy chương bạc tại cuộc thi Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ (IEYI) lần thứ 9 năm 2013, diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia không chỉ là niềm vui đối với những người làm khoa học trong tỉnh. Niềm vui đó lớn hơn, đáng trân trọng hơn khi vừa trở về, Kiên đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh chào đón và chúc mừng thành công mà em đã đạt được.

Đậu bá kiên
Đậu Bá Kiên nhận khen thưởng và chúc mừng của lãnh đạo tỉnh - Ảnh: Diệc Quyền

Với những người quan tâm đến khoa học - công nghệ trong tỉnh, tin tốt lành không chỉ là giải thưởng quốc tế mà Đậu Bá Kiên mang về cho quốc gia, cho tỉnh nhà mà còn bởi cách ứng xử của lãnh đạo tỉnh đối với những tài năng khoa học trẻ nói riêng và cách nhìn nhận, đánh giá  vai trò, vị trí quan trọng của khoa học - công nghệ nói chung. Nhìn Kiên bé nhỏ và vẫn rụt rè trước ống kính máy thu hình; nhìn gương mặt rạng rỡ của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong, của lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh cùng nhà tài trợ trong buổi gặp mặt khi em vừa trở về từ cuộc thi quốc tế, đủ thấy sức lan tỏa lớn từ thành công mà em vừa đạt được. Đó là kết quả sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, em đã cho ra đời “Phần mềm KF Mouse - giải pháp công nghệ dành cho người khuyết tật”. Phần mềm này có thể giúp người khuyết tật điều khiển con chuột máy tính chỉ dùng đôi mắt.

Với một học sinh lớp 9, việc chọn lựa đề tài khoa học hướng đến người khuyết tật cho thấy rõ tính nhân văn, sự quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, nhất là những người yếu thế trong xã hội của Kiên. Công trình của em dù chỉ được động viên khuyến khích bằng tinh thần là chính và xuất phát từ một sân chơi trí tuệ của thanh thiếu niên nhưng đáng giá gấp trăm gấp vạn lần những công trình khoa học tiền tỷ với những hội đồng khoa học to đùng nhưng nghiệm thu xong là xếp vào tủ, không ai biết đến.

Cũng dịp hè năm trước, hàng tháng trời, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin việc thầy Nguyễn Ngọc Hải và các học trò của mình ở trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng phải tự đi xin tiền mua hóa chất, xin tiền để đi thi và cả xin tiền đi nhận giải thưởng tại Hà Nội. Sau đó, Ban tổ chức huyện ủy Kế Sách đã kiểm điểm thầy Hải vì đã lên báo “bêu riếu” chính quyền địa phương. Bao nhiêu người đã thể hiện sự bất bình khi lãnh đạo huyện này không đếm xỉa gì đến việc trong 8 năm trời, thầy và trò ngôi trường này đoạt 19 giải thưởng, trong đó có một lần đại diện cho học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế tại Thụy Điển. Và tất cả chi phí hoạt động của câu lạc bộ, từ việc mua vật dụng thí nghiệm, đến chi phí đi lại của thầy trò chủ yếu là xin tài trợ.

Dù nguồn ngân sách đầu tư cho khoa học - công nghệ ở nước ta chưa thể so sánh với các nước trong châu lục, nhưng Đảng, Nhà nước ta luôn xem khoa học - kỹ thuật là then chốt, luôn khuyến khích các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhận thức về vị trí vai trò của khoa học - công nghệ đúng đắn sẽ tác động đến việc ban hành các chính sách phù hợp để phát triển khoa học - công nghệ, vấn đề cốt lõi để phát triển nền kinh tế tri thức mà chúng ta đang hướng tới.    

L.T

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu