Thứ 3, 23/04/2024 19:54:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:21, 07/06/2018 GMT+7

Chưa nguội được

Thứ 5, 07/06/2018 | 08:21:00 188 lượt xem
BP - Ngày 5-6-2018, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng, đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp và tình trạng sử dụng đất sai mục đích, bị lấn chiếm, lãng phí. Đây là hai vấn đề cử tri Bình Phước cũng như cử tri cả nước bức xúc, đặc biệt quan tâm thời gian qua.

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Nguyên nhân dẫn tới yếu kém trong hai vấn đề đại biểu Phan Viết Lượng nêu là do thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng không hiệu quả, công nghệ của một số doanh nghiệp không đáp ứng với tiêu chuẩn hiện nay. Đối với quản lý đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận có nhiều hạn chế, còn yếu kém, thời gian tới Trung ương và địa phương phải sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, tình hình sử dụng đất và các quy định hiện hành.

Có thể thấy, những vấn đề đại biểu Phan Viết Lượng chất vấn và trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là không mới trong công tác quản lý nhà nước các cấp và cũng không xa lạ với cử tri, nhân dân cả nước. Đây là những vấn đề thường làm nóng các kỳ tiếp xúc cử tri với đại biểu các cấp. Nó cũng thỉnh thoảng nóng lên tại nghị trường từ cấp xã đến cấp cao nhất là Quốc hội, Chính phủ... Lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cũng thường xuyên khẳng định không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, không để cá nhân hay doanh nghiệp lợi dụng tài nguyên đất đai bất hợp pháp, không để kéo dài lãng phí đất đai... Thế nhưng, dường như sức nóng và sự chỉ đạo đó chưa đủ mạnh để làm tan chảy vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là vì sao đối tượng gây ô nhiễm, thực trạng quản lý và sử dụng đất đai, nguyên nhân dẫn tới yếu kém... đều đã xác định rõ, nhưng vẫn chưa giải quyết được?

Hiện nay, việc quản lý môi trường có một bộ máy rất bài bản, chuyên nghiệp ở nhiều cơ quan chức năng, như cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường, cơ quan thẩm định kỹ thuật... Song thực tế phát hiện ô nhiễm môi trường lại hầu hết từ nhân dân. Thậm chí, nhân dân còn cung cấp thông tin, tố giác nhiều hơn rất nhiều những gì cơ quan chức năng vào cuộc hay phát hiện được. Phải chăng trình độ chuyên môn hay năng lực kiểm tra, phát hiện của cán bộ cơ quan chức năng kém? Có lẽ không phải vậy.

Trong số nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, có một số nguyên nhân “ai cũng biết” nhưng hiếm khi lên tiếng. Đó là sự bưng bít, bao che, bảo kê cho doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm của người có trách nhiệm. Người đứng đầu chính quyền hoặc cơ quan chức năng, cán bộ quản lý không muốn bị phanh phui, nêu danh vi phạm, sai phạm trong phạm vi mình quản lý. Sẽ nghiêm trọng hơn nếu xảy ra khuất tất phía sau đó. Để biết điều này có đúng hay không, chỉ cần tới khu vực có trang trại chăn nuôi heo, chăn nuôi gà hay doanh nghiệp hóa chất, doanh nghiệp dệt nhuộm, nhà máy luyện kim, nhà máy chế biến mủ cao su... kiểm tra sẽ biết rõ. Trong khi cử tri, người dân than trời vì sống trong ô nhiễm, thì đại diện chính quyền hay ngành chức năng thường trả lời “chưa có cơ sở”, “chưa có bằng chứng”, “chưa có đơn kiến nghị”, “chưa bắt được quả tang”, “chưa có kiểm nghiệm khoa học”... Còn đất đai trên địa bàn bị “treo” hay đang được sử dụng làm gì, có lẽ không cán bộ địa chính nào không biết. Bởi trong “sổ thiên tào” của họ, thông tin có gấp nhiều lần như thế! Nếu ai không tin, xin nhờ họ tìm mua giúp một thửa đất sẽ rõ.

Vì thế, nghị trường Quốc hội cũng như các nghị trường khác, hai vấn đề đất đai và môi trường có lẽ chưa nguội được.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu