Thứ 6, 19/04/2024 19:49:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:09, 22/10/2019 GMT+7

Chuẩn bị hành trình từ khi chưa bắt đầu

Thứ 3, 22/10/2019 | 10:09:00 183 lượt xem
BP - Ngày 19-10, lễ tổng kết 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới trên phạm vi cả nước đã được tổ chức tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ở phạm vi địa phương, Bình Phước cũng đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình ngày 16-10. Không ít người đặt câu hỏi: Đã tổng kết rồi, chương trình có tiếp tục nữa hay không, nếu tiếp tục thì thực hiện như thế nào, là sang giai đoạn hai hay chương trình tiếp nối, từ nay chương trình sẽ được gọi với tên gì, chương trình có còn trong các kế hoạch chính, kế hoạch quan trọng của từng cấp triển khai nữa hay không?...

Tại hội nghị ở Nam Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc. Quan điểm rất rõ ràng này hoàn toàn đúng với thực tế và không thể khác được. Bởi thứ nhất mới chỉ có một phần của nông thôn hoàn thành chương trình. Cả nước mới có 4.665 xã - tương đương 52,4% tổng số xã - đạt chuẩn nông thôn mới. Cấp huyện, cả nước mới chỉ có 109 đơn vị - tương đương 16,5%, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cấp tỉnh, trong số 63 tỉnh, thành trong cả nước mới chỉ có 2 tỉnh Đồng Nai với 133/133 xã, 11/11 huyện và tỉnh Nam Định với 209/209 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn. Bình Phước mới chỉ có 35/90 xã đạt chuẩn - tương đương 38,9%, dự kiến đến hết năm 2019 có thêm 13 xã đạt chuẩn. Như vậy, chặng đường để tất cả địa phương cán đích nông thôn mới còn khá xa, khó có thể khẳng định khi nào mới hoàn thành.

Thứ hai, khi cán đích thứ nhất, sẽ có đích thứ hai đặt ra. Theo thời gian, trong quá trình phát triển, mục tiêu, tiêu chí về nông thôn dù có tên gọi nông thôn mới hay tên gọi gì khác cũng sẽ thay đổi. Tất nhiên, có thể sẽ vẫn là 19 tiêu chí, số lượng tiêu chí có thể nhiều hơn hoặc ít hơn, song đó sẽ là những tiêu chí cao hơn hoặc (và) có những tiêu chí khác. Như không còn là có bao nhiêu mô hình kinh tế tập thể, mà là có bao nhiêu doanh nghiệp; không phải hộ nghèo có tỷ lệ dưới bao nhiêu, mà là có tỷ lệ bao nhiêu trở lên số hộ thu nhập bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn mức thu nhập bình quân của Đông Nam Á, châu Á hay thế giới; không còn là đường bê tông rộng 3m trở lên, mà là đường nhựa rộng bao nhiêu trở lên...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê quý 1/2019, lao động trong độ tuổi cả nước có 48,8 triệu người, trong đó khu vực thành thị 16,9 triệu người, chiếm 34,7%, còn lại là lao động ở khu vực nông thôn; tỷ lệ dân số khu vực thành thị của cả nước cũng chỉ chiếm 34,4%, còn lại khu vực nông thôn. Những số liệu này cho thấy, dù là người lao động hay dân số, khu vực nông thôn vẫn có tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với khu vực thành thị, xấp xỉ gấp gần 2 lần. Chủ trương, chính sách của Nhà nước, bất luận như thế nào cũng đều hướng tới mục tiêu cuối cùng và có sự ảnh hưởng cuối cùng là người dân. Và khu vực nông thôn vẫn đang có vai trò đặc biệt quan trọng trong các chiến lược phát triển của nước ta. Điều đó lý giải vì sao chương trình nông thôn mới đã thu hút một nguồn lực khổng lồ để xây dựng - 10 năm qua đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân với tổng kinh phí khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, tương đương mỗi năm bình quân khoảng 10 tỷ USD đầu tư cho chương trình...

Chắc chắn sẽ có những mục tiêu cao hơn đối với nông thôn. Vì thế, với cả những địa phương đã và chuẩn bị cán đích, rất cần chuẩn bị cho mình một hành trình với những mục tiêu mới ngay từ khi nó chưa bắt đầu.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
109214

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu