Thứ 3, 19/03/2024 18:50:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:15, 15/09/2019 GMT+7

Chung tay chăm sóc trẻ em - Bài 1

Chủ nhật, 15/09/2019 | 08:15:00 399 lượt xem

BP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu đặc biệt. Người thường xuyên quan tâm nhắc nhở và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các ngành, đoàn thể. Khắc ghi lời Bác dạy, Đảng và Nhà nước luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người. Thế nhưng điều đáng buồn là những năm qua, tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra khá phức tạp ở một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất và tinh thần. Đặc biệt, nhiều vụ bạo hành trẻ em có tính chất nghiêm trọng đã cướp đi mạng sống của những đứa trẻ vô tội, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Chung tay bảo vệ trẻ em, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và hội đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm lo cho các em và xem đây là nhiệm vụ quan trọng thường niên.

BẢO VỆ TRẺ EM KHỎI NẠN BẠO HÀNH, XÂM HẠI

Những năm qua, mặc dù được các cấp, ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng tình trạng tội phạm bạo hành, xâm hại (XH) trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra, để lại hậu quả hết sức nặng nề cho gia đình, trẻ nhỏ và xã hội. Để giúp các em có tuổi thơ trong sáng, được vui chơi, học hành rất cần sự quan tâm, chung sức đẩy lùi tội phạm bạo hành, XH trẻ em từ phía gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.

LỖ HỔNG NHẬN THỨC

Theo báo cáo thống kê của UBND tỉnh, từ năm 2015 đến tháng 6-2019, toàn tỉnh có 200 trẻ em bị XH. Trong đó, có đến 193 trẻ bị XH tình dục, 1 trẻ bị bạo lực và 6 trẻ bị XH bởi các nguyên nhân khác. Tình hình bạo lực, XH trẻ em thời gian qua có giảm nhưng không đáng kể. Hành vi XH trẻ em diễn biến phức tạp, có trẻ bị XH khi tuổi còn quá nhỏ (3-4 tuổi), gây bức xúc trong dư luận và để lại hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân và gia đình. Nạn nhân của tội phạm bạo hành, XH trẻ em chủ yếu là con em của gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế; gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc trẻ; gia đình đổ vỡ, trẻ phải sống với ông bà. Trong khi đối tượng bạo lực, XH trẻ em đa phần do xuống cấp về đạo đức, suy đồi về nhân cách và lệch lạc về nhận thức. Nhiều trường hợp coi thường pháp luật, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc do sử dụng các chất kích thích như: Rượu, bia, ma túy dẫn đến không kiểm soát được bản thân thực hiện hành vi XH, bạo hành trẻ. Một số trường hợp còn lợi dụng sự quen biết, mất cảnh giác của gia đình để thực hiện hành vi phạm tội đối với trẻ.

Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp Công đoàn KCN khu vực Đồng Xoài - Đồng Phú tặng quà cho con công nhân Công ty TNHH Auntex (Đồng Xoài) - Ảnh: Ngân Hà

Như vụ cháu T.T.H (2004, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) bị chính người thân XH tình dục dẫn đến có thai. Hay vụ cháu L.Đ.T.A (xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài) bị một người quen biết với gia đình XH tình dục sau đó giết chết... Từ các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh cho thấy, đối tượng bạo lực, XH trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, trong đó có cả người thân quen. Trong 200 trường hợp trẻ bị bạo hành, XH trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến tháng 6-2019, có khoảng 8% đối tượng XH trẻ em là người ruột thịt; còn lại hơn 90% đối tượng bạo hành, XH trẻ là người có trách nhiệm chăm sóc, chữa bệnh, người quen của gia đình trẻ em. Các hành vi XH trẻ em có tính chất nguy hiểm như: Giết người, dâm ô, giao cấu, hiếp dâm trẻ em 4 trường hợp.

ÁN TỬ CHO KẺ XÂM HẠI TRẺ EM

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, thời gian qua, tội phạm XH trẻ em có chiều hướng giảm nhưng không đáng kể. Cụ thể, số án thụ lý sơ thẩm và phúc thẩm năm 2015 là 69 vụ/72 bị cáo, năm 2016 là 54 vụ/59 bị cáo, năm 2017 là 33 vụ/33 bị cáo, năm 2018 là 45 vụ/49 bị cáo, 6 tháng đầu năm 2019 là 26 vụ/26 bị cáo. Tuy nhiên, tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng XH trẻ em đưa ra xét xử thường là hành vi phạm tội kép như: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi và giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; hiếp dâm người dưới 16 tuổi và cướp tài sản; hiếp dâm người dưới 16 tuổi và giết người.

Huyện đoàn Hớn Quản phối hợp các đơn vị tổ chức tặng quà và tuyên truyền phòng, chống xâm hại cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện

Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ XH trẻ em gây chấn động dư luận và được các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay. Trong đó, vụ XH trẻ em đau lòng xảy ra tại xã Tiến Hưng (Đồng Xoài). Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, khoảng tháng 3-2018, Nguyễn Văn Hưng (1985, trú ấp 2, xã Tiến Hưng) lợi dụng sự quen biết đã chở bé gái sinh năm 2013 vào nơi vắng người để thực hiện hành vi hiếp dâm sau đó giết người. Hành vi của Hưng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đề nghị truy tố về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội giết người. Ngày 24-8-2018, Tòa án nhân dân tỉnh đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hưng mức án tử hình.

Tại xã biên giới Thanh Hòa, huyện Bù Đốp cách đây không lâu đã xảy ra sự việc khá đau lòng cha ruột thực hiện hành vi đồi bại với con gái. Bị cáo đã bị xử phạt 18 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Hay vụ, Tạ Thanh Trung, ngụ tại Đồng Xoài thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em (thực hiện với 5 bé gái mới học lớp 1). Hành vi của Trung đã bị xử phạt 5 năm 6 tháng tù. 

CHUNG TAY BẢO VỆ TRẺ EM

Hằng năm, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, XH trẻ em nói riêng. Để công tác này đạt hiệu quả cao, tỉnh đã lồng ghép các mục tiêu về trẻ em vào các nghị quyết của HĐND và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống XH trẻ em. Qua đó, giúp các bậc phụ huynh và trẻ em nắm kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ của trẻ.

Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội cho biết: Hậu quả lớn nhất khi trẻ bị bạo hành, XH là tổn thương về tinh thần. Trẻ sẽ có biểu hiện mặc cảm, khó hòa nhập xã hội. Đặc biệt tổn thương về sức khỏe, thể chất dẫn đến trẻ phát triển không bình thường. Một số trẻ sau khi bị XH tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý, có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về tinh thần. Do đó, phần lớn trẻ bị XH thường không kể với người khác. Trong 200 trẻ bị XH thì có đến 16 trường hợp phải bỏ học do bị tổn thương về nhiều mặt.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cơ quan liên quan định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Phát hành 5.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; 5.000 tờ rơi tuyên truyền người dân khi phát hiện thì thông báo, tố giác kịp thời trường hợp trẻ bị bạo hành; 3.000 bản tài liệu về cẩm nang phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ; 600 bản tài liệu cảnh cáo XH trẻ em là tội ác... Hội phụ nữ các cấp cũng tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em 9.479 cuộc với 511.329 lượt hội viên phụ nữ tham gia; phối hợp Sở Tư pháp, Đoàn luật sư tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, truyền thông lưu động về các luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại 81 điểm dân cư trên địa bàn tỉnh, thu hút 5.950 lượt người tham gia; phối hợp các trường học tổ chức truyền thông phòng, chống XH trẻ em cho học sinh...

Chị Nguyễn Thị Ngoan ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú) cho biết: Gia đình tôi có 3 con (2 gái, 1 trai). Gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ trẻ bị bạo hành, XH tình dục nên tôi rất lo lắng. Vì vậy, mỗi lần Hội Phụ nữ xã tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật về phòng, chống XH trẻ em, tôi đều tham gia và về tư vấn cho các con cách phòng tránh.

Ngoài ra, các hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh còn xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) phòng chống bạo lực gia đình, thu hút đông hội viên tham gia như các CLB “Gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng”, “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật”, “Nuôi dạy con tốt”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Phòng chống tệ nạn xã hội từ gia đình”... Đến nay, toàn tỉnh có 71 xã thành lập được 316 CLB gia đình phát triển bền vững; 88 CLB tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và 316 nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình. Tại các thôn, ấp, khu phố thuộc 111 xã, phường, thị trấn đã thành lập 552 địa chỉ tin cậy, 378 cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình. Cùng với hệ thống chính trị, các CLB, cơ sở tư vấn đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép chính sách, pháp luật về công tác trẻ em nói chung, đặc biệt là chống XH trẻ em đến nhân dân. Qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ XH trẻ em trên địa bàn.

Thùy Hương

  • Từ khóa
94621

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu