Thứ 6, 26/04/2024 10:41:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:49, 15/02/2012 GMT+7

Chuyển biến tích cực từ phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi

Thứ 4, 15/02/2012 | 09:49:00 248 lượt xem

Trong sự phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đóng vai trò quan trọng. Những năm qua, từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn.

ĐẨY MẠNH CHUYỂN GIAO KHOA HỌC - KỸ THUẬT

Năm 2011, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, giá các mặt hàng nông sản tăng cao, kích thích người dân tập trung đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường, giá vật tư nông nghiệp, cây - con giống các loại biến động, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân. Nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng có lợi, bền vững, phá vỡ thế độc canh của cây điều, cao su, hồ tiêu. Hội nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tiêm phòng các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trên địa bàn huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Hớn Quản, thị xã Bình Long, các ngành chức năng đã kịp thời phát hiện, khống chế các ổ dịch không để lây lan trên diện rộng.

Mô hình nuôi ba ba của hộ Phạm Ngọc Anh, phường Thác Mơ (TX. Phước Long)

Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế. Các cấp hội với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả thông qua giúp vốn, mua vật tư trả chậm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, dạy nghề, giới thiệu việc làm... Trong năm 2011, các cấp hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 671 lớp tập huấn, 47 buổi hội thảo khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất, chăn nuôi, xử lý bệnh vàng lá, rụng lá trên cây điều, cao su... cho 58.025 lượt hội viên nông dân tham dự. Đồng thời, hội đưa một số sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh tham gia hội chợ triển lãm nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình ngày hội Tam Nông khu vực Đông Tây - Nam bộ do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại tỉnh Long An.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hội đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổng kết chương trình triển khai, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006-2010, ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2011-2015; xây dựng dự án “Nâng cao năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ cho các cấp hội và xây dựng hệ thống sàn kết nối cung cầu cho nông dân giai đoạn 2012-2015”.

HỘI VIÊN NÔNG DÂN GIÚP NHAU XÓA NGHÈO

Nhằm hỗ trợ tích cực nông dân trong đầu tư các mô hình kinh tế, các cấp hội trong tỉnh đã vận động và giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền trên 3,996 tỷ đồng, cho 429 hộ hội viên vay phát triển kinh tế. Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho 23.534 hộ vay vốn. Thực hiện phương châm “Nông dân giúp nông dân”, tổ chức hội đã vận động các hộ sản xuất - kinh doanh giỏi, các chủ trang trại hỗ trợ bằng nhiều hình thức với tổng số tiền trị giá trên 850 triệu đồng giúp 316 hộ nông dân có điều kiện sản xuất.

Điển hình là tấm gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền của ông Trịnh Đình Cây ở phường Long Thủy (TX. Phước Long). Xuất ngũ, trở về địa phương năm 1982, là thương binh hạng 1/4, vợ chồng ông Cây bắt đầu cuộc sống từ đi làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ. Khi có vốn tích lũy, ông Cây đã mạnh dạn đầu tư mua đất trồng cây công nghiệp. Với diện tích 70 ha cao su, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí, gia đình ông Cây thu về trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2009, gia đình ông thành lập Công ty TNHH Tiến Đức, chuyên kinh doanh nông sản xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động và 30 lao động thời vụ với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn rất nhiều gương nông dân vượt khó làm giàu, trong đó có một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, như hộ chị Thị Khánh ở xã Nha Bích (Chơn Thành), hộ anh Sầm Văn Kim ở xã Phước Minh (Bù Gia Mập)...

Năm 2011 toàn tỉnh có 25.091 hộ đạt tiêu chuẩn nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; hội viên nông dân hỗ trợ nhau giảm được 694 hộ nghèo. Đặc biệt, có nhiều hộ thu nhập từ 400 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm, tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội. Đây là tín hiệu vui trong phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh.

Hải Châu

  • Từ khóa
39244

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu