Thứ 6, 26/04/2024 08:03:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:51, 01/11/2017 GMT+7

Chuyện “cái mùng” và kỹ năng sống của học sinh

Thứ 4, 01/11/2017 | 08:51:00 7,033 lượt xem
BP - Trong lúc “lang thang” trên mạng, tôi tình cờ đọc một bài viết ngắn. Nội dung bài viết đại ý: có một thầy giáo trẻ đã hỏi học sinh tiểu học: Chúng ta nên làm gì để phòng bệnh sốt rét? Nhiều em trả lời rất đúng. Một em nữ nhìn vào hình trong sách giáo khoa và đọc dòng chú thích “Tẩm màn bằng chất phòng muỗi”.

Em nam ngồi cạnh hỏi bạn, màn là gì? Thầy giáo trẻ cau mày hỏi học sinh nam: Màn là gì em cũng không biết sao? Nhưng học sinh ấy làm thinh. Khi thầy hỏi cả lớp, em nào biết màn là gì thì chỉ 1 học sinh giơ tay trả lời màn là mùng. Lúc này thầy giáo mới giải thích người miền Nam gọi là mùng, còn người miền Bắc gọi là màn. Nhưng học sinh nam đã hỏi “màn là gì?” lại hỏi tiếp: Mùng là cái gì ạ? Thầy giáo trừng mắt nói: Em đùa trong giờ học đó hả? Học sinh nam ấy cúi đầu và thầy giáo giảng qua phần khác. Một giáo viên dự giờ chứng kiến câu chuyện ấy và cuối giờ đã hỏi cả lớp: Trong lớp có bạn nào ngủ mùng không? Không một học sinh nào giơ tay. Thì ra, các em sống ở thành phố và tất cả đều ngủ trong phòng máy lạnh hoặc dùng quạt, không ngủ mùng nên các em không biết “mùng” là gì.

Câu chuyện này khiến người viết nhớ lại 3 năm trước, trên mạng xã hội lan truyền kết quả khảo sát vui đối với học sinh lớp 12 của thầy giáo Trần Đình Trợ, Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh). Kết quả khảo sát trên 45 học sinh lớp thầy chủ nhiệm khiến ai cũng phải cười ra nước mắt: Có 45/45 em đi học bằng xe đạp, trong đó có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp và không em nào biết sửa xe; có 45/45 em thường xuyên ăn cơm trong đó chỉ 15 em biết nấu cơm, nhưng chỉ 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên và chỉ 4 em nhớ ngày sinh của cha mẹ... Thầy Trợ chỉ khảo sát cho vui nhưng kết quả lại thật đáng buồn.

Suốt nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chủ trương tổ chức rất nhiều kỳ thi học sinh giỏi. Từ tiểu học đến THPT, hằng năm các em đều được động viên tham gia thi học sinh giỏi từ cấp trường đến cấp huyện, tỉnh và toàn quốc. Bậc THPT còn tham dự các kỳ thi khu vực, quốc tế và đều giành nhiều giải cao. Gần đây nhất, kỳ thi Olympic toán học quốc tế (IMO) năm 2017 diễn ra tại Brazil, cả 6/6 thí sinh Việt Nam đều đoạt huy chương, trong đó có 4 huy chương vàng, 1 bạc, 1 đồng và Việt Nam vinh dự xếp thứ 3/112 quốc gia tham dự kỳ thi này.

Vì sao học sinh, sinh viên Việt Nam học giỏi, thi đâu thắng đó nhưng lại thiếu kỹ năng sống đến vậy? Không quá khó để trả lời câu hỏi này. Nguyên nhân đầu tiên là khối lượng kiến thức ở bậc phổ thông quá nhiều nên học sinh phải dồn toàn bộ thời gian, sức lực cho việc học mà quên mất những việc khác. Nguyên nhân nữa là tâm lý “khoa bảng” đã ăn sâu vào người Việt. Nhiều gia đình dù nghèo vẫn tạo mọi điều kiện để con được vào đại học - cho dù tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp. Điều dễ nhận thấy là một em không học đại học có thể làm ruộng hoặc làm bất cứ việc gì để kiếm sống tại quê hương. Nhưng một em tốt nghiệp đại học thì khó chấp nhận những việc “không xứng đáng” đó. Câu chuyện “thủ khoa nuôi heo” ở Hà Giang mà báo chí đưa tin ồn ào những ngày gần đây đã minh chứng điều đó.

Kỹ năng sống chưa thật sự được quan tâm đúng mức trong các trường học. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta càng nhận rõ hơn tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống để giúp học sinh có khả năng ứng phó với sự thay đổi về kinh tế - xã hội và sự biến động về môi trường thiên nhiên. Từ đó có giải pháp phù hợp từng cấp học, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

 Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu