Thứ 4, 24/04/2024 08:30:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:11, 22/02/2015 GMT+7

Chuyện có thật ở Bàu Nghé

Chủ nhật, 22/02/2015 | 07:11:00 1,538 lượt xem
BP - Lần nào về Bàu Nghé, trong tôi cũng luôn có một cảm giác rất lạ. Một vùng đất thơ mộng và thanh bình nép bên hồ thủy điện Thác Mơ luôn kích thích sự tò mò khám phá của tôi. Nơi đây có những con người, những câu chuyện rất lạ.


Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (thứ hai bên phải) chụp hình lưu niệm với cán bộ thôn, xã và ông Ba Đảo

Trưởng thôn đi xe hơi

Bây giờ thì điều này chẳng hiếm, nhưng cách đây 10 năm, giữa một vùng đất nghèo xác xơ như Bàu Nghé, hình ảnh một ông trưởng thôn vâm váp với những bước đi duỳnh duỵch, cưỡi ôtô chạy đi chạy về để lo những chuyện bao đồng trong thôn đã trở thành một hiện tượng ở Phước Long. Đó là ông Phạm Đức Thọ (Ba Thọ), Trưởng thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín suốt từ năm 1995 đến nay.

Thôn Bàu Nghé hiện có 172 hộ dân, nhưng ngày ông Ba Thọ đưa vợ con từ Đồng Nai đến đây khoét bụi lồ ô làm nhà, cả khu Bàu Nghé chỉ vài ba chục hộ sống rất thưa thớt. Khi hồ thủy điện Thác Mơ tích nước, tôm cá về rất nhiều. Theo dòng cá, những hộ sống bằng nghề thuyền chài từ khắp nơi, trong đó chủ yếu là Việt kiều từ Campuchia kéo về Bàu Nghé để đánh bắt. Đất đai hồi đó không thiếu, nhưng những hộ dân này thường cắm chòi sát mép nước để sinh sống. Nước ăn lấy từ hồ rồi lại thải xuống hồ, rất mất vệ sinh.

Cùng với những người từ nơi khác về lập vườn, ông Ba Thọ đứng ra xin thủ tục cấp đất, tự vẽ bản đồ quy hoạch khu trung tâm của thôn, khu nghĩa trang nhân dân, tự bỏ gỗ và huy động người dân xúm tay dựng trường học, dựng nhà văn hóa, khôi phục, sửa chữa lại ngôi chùa bỏ hoang để người dân có nơi sinh hoạt tâm linh... Sau những ngày tích cực vận động, ông Ba Thọ đã “lôi” được 30 hộ sống sát mép hồ lên khu dân cư, mỗi hộ được chia 400m2 đất làm nhà. Ông bảo đó là thành công bước đầu, dẫu họ chưa có thói quen làm nhà vệ sinh, nhưng ít ra là không thải trực tiếp xuống hồ như trước.

Điều đáng nói, dù xin đất hồi đó rất dễ dàng, nhưng ông Ba Thọ không dựa vào đó để lo riêng mình. Ông chỉ có mảnh đất khoảng gần 2 ha sát mép hồ để trồng sầu riêng và sau này mua thêm được 2 ha nữa. Với ông, chinh phục mặt nước mới là niềm đam mê số một. Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ Thác Mơ, ông đầu tư hơn 800 triệu đồng làm bè nuôi cá điêu hồng. Ông chia sẻ: Dân Bàu Nghé quen sống với sông nước nhưng chỉ dựa vào nguồn cá tự nhiên. Giờ người đông cá ít mà vẫn sống theo kiểu ấy thì làm sao khá nổi. Tôi nuôi cá bè cũng là để người dân làm theo. Có thời điểm trong thôn có gần 20 hộ nuôi, nhưng chỉ nuôi theo mùa để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, vì thức ăn hàng ngày cho cá rất tốn. Hiện ông Ba Thọ duy trì 20 lồng cá, mùa nước dâng nâng lên 25 lồng để tận dụng thức ăn tự nhiên. Mỗi ngày dùng hết 1,5 tấn thức ăn, tương đương 40 triệu đồng. Tốn kém thế nên nhiều hộ không theo được.

“Mười năm nay, tôi gắn bó với con cá điêu hồng, vì kinh tế đã đành, nhưng còn vì niềm đam mê khó cưỡng. Nuôi cá phải đầu tư cao, rủi ro nhiều mà đầu ra lại không ổn định. Lứa cá nào bị dịch bệnh lòi mắt, cháy đuôi, mủ mang thì dù có tiến sĩ, giáo sư thủy sản tới cũng xác định mất vốn” -  ông Ba Thọ chia sẻ. Đã có thời gian ông manh nha ý định thành lập hợp tác xã nghề cá, vận động số hộ thuyền chài chuyển sang nuôi cá bè. Ông sẽ mở đại lý thức ăn cho cá, cho dân ứng trước, khi thu hoạch mới trả lại. Nếu dự kiến thành hiện thực thì những người dân nghèo nơi đây sẽ có hy vọng thoát nghèo. Ý tưởng của ông Ba Thọ đúng vào thời điểm Phước Tín được đầu tư xây dựng nông thôn mới, cần có thành phần kinh tế tập thể nên lãnh đạo xã đồng tình. Dự án nuôi trồng thủy - hải sản trên mặt hồ thủy điện Thác Mơ đã manh nha, nhưng vì những lý do đã nêu nên chưa thực hiện được.

Người bỏ phố lên rừng

Hồi 2007, nhân sự kiện thầy giáo cũ vào Sài Gòn chơi, mấy bạn thuộc nhóm “ăn nên làm ra” ở đó triệu tôi về để gặp thầy và tụ nhau cho bõ những ngày thầy trò xa cách. Tiệc đãi thầy ở nhà hàng Sinh Đôi, khi nhân viên nhà hàng mang la-xet là sầu riêng ra, ai cũng trầm trồ khen ngon quá. Còn tôi, dù không phải lần đầu được ăn sầu riêng nhưng vẫn khí thế ăn hết một múi lớn. Hỏi nhân viên nhà hàng sầu riêng này mua ở đâu thì thật bất ngờ được biết sầu riêng mua tại siêu thị Metro, nhưng nguồn gốc là từ Bình Phước, nhãn hiệu “sầu riêng Ba Đảo”, trên nhãn bao bì còn ghi rõ địa chỉ, số điện thoại của trang trại sản xuất. Ngày ấy, hàng nông sản muốn vào được Metro phải bảo đảm chất lượng và tuyệt đối an toàn. Không thể ngờ vùng sâu Bình Phước lại có một thương hiệu nổi tiếng tại một siêu thị nổi tiếng như thế! Trở về Bình Phước, tôi đã tìm ngay đến trang trại Ba Đảo tại thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long). 

Thêm một bất ngờ nữa, chủ nhân của trang trại Ba Đảo là một người có tướng... thầy học và là dân Củ Chi. Đang làm thủy thủ tàu vận tải biển, ở tuổi ba lăm dù vợ con vẫn ở Sài Gòn, ông Ba Đảo đã một mình tìm lên Bàu Nghé dồn hết vốn liếng mua 20 ha đất trồng điều bị người dân bỏ liều để cải tạo lại trồng các loại cây giá trị cao như sầu riêng, cao su, cà phê. Bàu Nghé những năm cuối thế kỷ trước còn hoang sơ lắm. Rừng già không còn nhưng rừng tái sinh còn nhiều, dân sống lác đác vài chục nóc nhà thưa thớt. Cùng chinh phục đất Bàu Nghé với ông hồi ấy có nhiều người, nhưng vì khó, vì xa, nhất là vì buồn nên bỏ cuộc quay về Sài Gòn hết. Suốt 5 năm trời, một mình ông Ba Đảo đánh vật với 20 ha đất. Nhưng niềm vui chưa kịp tới thì giá cà phê lao dốc thê thảm, chỉ còn 3.800 đến 4.000 đồng/kg. Sau mấy đêm mất ngủ, ông cắn răng chặt bỏ 5 ha cà phê vừa cho thu bói. Thương chồng, vợ ông đành gửi con lại Sài Gòn để cùng ông gánh vác.

Lần thứ ba trở lại trang trại, ông Ba Đảo vẫn gầy gò, nhỏ nhẹ và kiệm lời như thế. Công việc thổ mộc mất rất nhiều công sức nhưng vì bệnh dạ dày và gút, lại mới mổ cườm mắt nên ông ăn uống rất sơ sài. Bữa sáng chỉ gói mì ăn liền với vài đọt rau lang. Bữa chính cũng chỉ lưng cơm với khúc cá kho. Thế nhưng niềm đam mê chinh phục đất đai của ông trong suốt những năm qua không hề vơi cạn. Khi sầu riêng và cao su cho thu hoạch, được bao nhiêu tiền ông lại mở rộng diện tích đất chứ không đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào.

Những năm tháng mới lập nghiệp trên đất Bình Phước, vay vốn ngân hàng chỉ là giấc mơ, những chủ trang trại như ông phải tự xoay lấy vốn. Phải mất 10 năm khẳng định mình bằng một trang trại làm ăn rất hiệu quả, ông mới mon men tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Hỏi giờ cần vay nữa không? Ông cười hiền lành, giờ tôi thành “thượng đế” rồi. Ngân hàng “chăm sóc” cánh chủ vườn như chúng tôi lắm, nhưng vay để làm gì. 60 ha đất của tôi phần lớn đã có thu. Tôi đã ngấp nghé bảy mươi, bà ấy kém vài tuổi, giờ dồn sức cho diện tích hiện có cũng đủ mệt lắm rồi.

Đi dưới những hàng cao su bạt ngàn hay dưới vườn sầu riêng đã thành cổ thụ nhưng cành lá vẫn rất xanh tươi, tràn đầy sức sống, tôi tự hỏi không biết làm cách nào mà ông bà Ba Đảo có thể giữ được sức sống tràn đầy trên một diện tích không hề nhỏ ấy. Ông chia sẻ, làm vườn phải biết thương cây, chỉ giao cho người khác thì không thành đâu! Có lẽ vì thương cây nên từ năm 2003, ông là người đầu tiên ở Bình Phước mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tự động. Ông nói công nhân làm cho mình, tết nhất họ cũng phải nghỉ, mà cây sầu riêng thì không thể thiếu nước, nhất là thời điểm tết lại là lúc cây đâm bông. Mình nghỉ ăn tết mà để cây khát khô thì sốt ruột lắm. Hệ thống tưới tự động rất tiết kiệm, cây lúc nào cũng chỉ vừa đủ lượng nước cần thiết, không tốn sức người và rất chủ động. Chỉ cần canh giờ để mở và đóng van nước là được. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến sầu riêng Ba Đảo đủ độ thơm ngon để chinh phục được một thị trường khắt khe như siêu thị Metro!

Năm 2012, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng gia đình đã thực hiện một chuyến dã ngoại lên trang trại của ông Ba Đảo. Ông chỉ đi chơi nên không thông báo cho chính quyền địa phương. Và ông Ba Đảo chỉ mời đại diện cán bộ thôn, xã Phước Tín và ông Bảy Phụng, nguyên Bí thư Huyện ủy đi cùng để trò chuyện và giới thiệu vườn cây với gia đình nguyên Thủ tướng. Sau chuyến dã ngoại ấy, có người đã đoán chủ nhân trang trại Ba Đảo... hình như là ông Phan Văn Khải, ông Ba Đảo chỉ là người làm vườn. Nhắc lại chuyện ấy, ông cười và kể, hồi ông Sáu Khải còn làm Thủ tướng, một người bạn của ông làm thư ký cho Thủ tướng đã xin ông một ít sầu riêng mang ra Hà Nội làm quà. Lúc đó, Thủ tướng đã khen sầu riêng rất ngon và chia cho các đồng chí trong Bộ Chính trị mỗi người một trái. Khi nghỉ hưu, ông Sáu Khải về vui thú điền viên, thi thoảng lại nhờ ông Ba Đảo đến hướng dẫn cách chăm sóc cây cảnh.

Nhiều đại gia, cũng lắm hộ nghèo

Trong số 172 hộ ở thôn Bàu Nghé thì 142 hộ có hộ khẩu và 30 hộ di cư, là những hộ Việt kiều Campuchia về đây sinh sống nhưng không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào nên không thể cấp sổ hộ khẩu. Ông Ba Thọ nói đùa, họ là dân “loạn cư” chứ không phải di cư hay nhập cư. Loạn là bởi thích thì họ cắm chòi ở tạm để đánh cá, không thích thì lên thuyền lênh đênh đến vùng sông nước khác. Đương nhiên, tất cả số hộ không có hộ khẩu đều là hộ nghèo. Dù thôn, xã quan tâm, nhưng vì không hộ khẩu nên họ không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo.

Dân Bàu Nghé nghèo cũng còn do tập quán tới đâu hay tới đó. Ông Ba Thọ kể, dạo hồ thủy điện Thác Mơ mới tích nước, dân ở đây kiếm rất bộn. Nhiều hộ kiếm bạc triệu mỗi ngày từ đánh cá hoặc trục vớt gỗ dưới lòng hồ, nhưng kiếm được bao nhiêu họ xài hết luôn chứ không tích lũy để tậu đất sản xuất, làm nhà. Khi nguồn cá tôm cạn và gỗ lòng hồ cũng hết, họ chấp nhận sống cảnh nghèo khó. Mùa nước cạn, không có việc làm thì vay mượn để ăn. Dù các chủ trang trại ở thôn sẵn sàng thuê mướn nhưng họ chỉ quen đánh cá, không ham làm vườn nên không thể có cuộc sống ổn định. Những hộ không theo nghề cá nhưng vườn rẫy đã bán hết thì làm thuê.

Một sự tương phản rất rõ ở Bàu Nghé là trong khi số đông dân tại chỗ rất nghèo thì đây cũng là địa chỉ có nhiều chủ trang trại có diện tích đất lớn và làm ăn hiệu quả nhất ở huyện Phước Long cũ. Không cần giở sổ, ông Trưởng thôn cho biết chỉ 5% số hộ hiện đang sở hữu khoảng 95% tổng diện tích đất toàn thôn. Đó là những đại gia từ nơi khác tới lập vườn. Rồi ông nói vanh vách họ tên từng người, quê ở đâu, diện tích đất hiện có, trồng cây gì. Điều rất đáng nói là những đại gia nông dân ở Bàu Nghé rất đoàn kết giúp nhau trong làm ăn và hỗ trợ những hộ nghèo trong thôn. Từ đóng góp xây dựng nhà văn hóa, sửa chữa trường học, làm đường, kéo điện, hỗ trợ tiền bạc, quà cho người nghèo những dịp lễ tết... các chủ trang trại đều sẵn lòng đóng góp. Thông qua cầu nối là ông Ba Thọ, họ tự giác nhìn nhau, đoạn đường giao thông này anh hỗ trợ thì công trình điện kia tôi góp. Tấm lòng của những chủ trang trại ở Bàu Nghé luôn được bà con ghi nhận. Dẫu còn nhiều hộ nghèo nhưng trong thôn không xảy ra tình trạng trộm cắp hay phá hoại vườn cây như một vài nơi khác.

Trên những trang trại cao su, cà phê, sầu riêng ngút ngàn ở Bàu Nghé, xuân đang về trong từng mắt lá căng tràn sức sống. Bàu Nghé vẫn thơ mộng, thanh bình soi bóng xuống lòng hồ Thác Mơ, nhưng tôi chỉ muốn nói với ông Ba Thọ, ông Ba Đảo rằng ước gì bức tranh Bàu Nghé bớt đi những gam màu tương phản để thay bằng những gam màu hài hòa, nhuần nhụy hơn.

Linh Tâm 

  • Từ khóa
50969

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu