Thứ 5, 25/04/2024 12:09:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:54, 25/09/2018 GMT+7

Chuyện cũ mà vẫn “nóng”

Thứ 3, 25/09/2018 | 08:54:00 125 lượt xem
BP - Ngày 18-9 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thu - chi các khoản được vận động tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Nội dung cuộc họp không mới, mang tính định kỳ vào mỗi dịp đầu năm học nhưng lại luôn làm nóng dư luận.

Mà không chỉ địa phương, vào mỗi dịp chuẩn bị năm học mới, Bộ GD-ĐT cũng “định kỳ” ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác thu - chi trong trường học. Nhưng rồi cũng “đến hẹn lại lên”, năm học mới bắt đầu chưa lâu, phụ huynh lại “than trời” vì các khoản đóng góp “tự nguyện”!

Ngay sau ngày khai giảng năm học, trong cơ quan tôi lại râm ran câu chuyện đóng góp. Các bà mẹ có con đi học mở điện thoại so với nhau bản thông báo các khoản đóng góp của con mình rồi thở dài. Thật lạ. Ở tất cả trường học, các khoản thu bắt buộc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số tiền phải đóng. Một phụ huynh có con vừa vào lớp 10 ở Đồng Xoài thắc mắc: Trong số 4,8 triệu đồng phải đóng trong học kỳ I, thu bắt buộc chỉ có 320 ngàn đồng. Các khoản “tự nguyện” nhưng “không đóng không được”, ngoài để mua camera, bảng tương tác thì còn rất nhiều khoản khác. Có phụ huynh không hiểu vì sao ngoài quỹ lớp 500 ngàn đồng lại còn phải đóng cả quỹ phụ huynh lớp 300 ngàn đồng!? Có phụ huynh thắc mắc khoản “thu hộ, chi hộ” lên tới hơn 850 ngàn đồng nhưng không dám hỏi giáo viên, về cơ quan hỏi nhau mới biết đó là các khoản: đổ rác, tưới cây, sửa sang lớp học (nếu có), bảo vệ và... dạy thêm học thêm!

“Quyết tâm chấn chỉnh lạm thu!”. Câu khẩu hiệu quen thuộc này là của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu có ý kiến: Cần ngăn chặn tình trạng lợi dụng danh nghĩa để bắt phụ huynh “tự nguyện” đóng góp. Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định rõ những gì hội cha mẹ học sinh được làm, những gì không được làm. Chẳng hạn, hội cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản phục vụ hoạt động, không thu các khoản quyên góp, tài trợ để chi các chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trường học... Thế nhưng hầu hết phụ huynh không nắm được nội dung thông tư này. Bên cạnh đó, tâm lý “thiên hạ sao mình vậy”, và cũng không muốn thầy cô “để ý” nên nhà trường thông báo sao thì phụ huynh chấp nhận đóng góp như thế. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần sửa Thông tư số 55, cấm hẳn thu hội phí phụ huynh dưới mọi hình thức.

Thực ra, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là cần thiết. Tuy nhiên, cách thức thu và quản lý chi từ nguồn xã hội hóa vẫn còn nhiều vùng tối, gây bức xúc cho phụ huynh. Được biết năm học trước, Thanh tra Sở GD-ĐT phát hiện một trường THPT ở Đồng Xoài còn tồn 650 triệu đồng là nguồn thu tiền dạy thêm học thêm từ phụ huynh. Do phụ huynh đóng tiền theo năm học, trường trả cho giáo viên theo tiết dạy, những ngày nghỉ không phải trả cho giáo viên nên dư ra số tiền đó. Thanh tra sở đã yêu cầu trường trả lại số tiền tồn cho phụ huynh. Thế nhưng con em họ đã ra trường từ lâu, họ cũng đâu biết tiền của họ đang được nhà trường “giữ hộ” để mà đến nhận!? Vì thế, việc UBND tỉnh xây dựng văn bản quy phạm pháp luật công tác thu - chi các khoản vận động trong trường học là cần thiết. Cần hơn nữa là cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ việc chi các khoản đóng góp này.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu