Thứ 5, 25/04/2024 02:55:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:09, 13/10/2015 GMT+7

Chuyện của người lớn, đừng để trẻ bị tổn thương!

Thứ 3, 13/10/2015 | 13:09:00 117 lượt xem

BP - Những ngày đầu năm học 2015-2016, cộng đồng mạng xôn xao về việc một em bé lớp 2 ở Hà Nội bị nhà trường đuổi học chỉ vì... mẹ của em lên facebook chê tơi tả chiếc cà vạt của học sinh trong trường! Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin hiện đại, những lời qua tiếng lại giữa đôi bên (đại diện nhà trường và mẹ của em bé) gần như được chia sẻ toàn bộ trên nhiều trang mạng. Người phản đối thái độ của người mẹ trẻ là không văn minh, lịch sự; người thì phản đối cách hành xử thiếu tính nhân văn, phản giáo dục của nhà trường nơi em học. Câu chuyện trên ồn ào đến nỗi nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục phải lên tiếng và Sở Giáo dục - đào tạo thành phố Hà Nội phải vào cuộc. Và việc làm được dư luận đồng tình cao là Sở Giáo dục - đào tạo TP. Hà Nội đã yêu cầu nhà trường ngay lập tức nhận em vào học trở lại.

Thành ngữ có câu “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, thế nhưng rõ ràng thái độ ứng xử của người mẹ khi đến đám đông (mạng xã hội) để chỉ trích chiếc cà vạt thể hiện sự thiếu thiện chí đối với nhà trường nơi con mình đang học. Đó là điều tối kỵ. Tại sao con đã dùng chiếc cà vạt ấy suốt một năm học mà phụ huynh không góp ý trực tiếp với nhà trường, lại hành xử thiếu chín chắn như thế! Học sinh đến trường ngoài học kiến thức còn học đạo đức, lễ nghĩa, phép tắc, nhất là ở lứa tuổi tiểu học. Nếu em bé đọc được những lời nhận xét thiếu sự trân trọng và tinh thần xây dựng của mẹ mình đối với nhà trường, thầy cô thì em cũng sẽ có những suy nghĩ không hay, không tốt đẹp về ngôi trường mình đang học. Và như thế sẽ không có sự hợp tác giữa gia đình với nhà trường trong việc giáo dục các em.

Về phía nhà trường, những phản ứng của người đại diện (hiệu trưởng, hiệu phó) cũng thể hiện sự tự ái cao và đỉnh điểm của sự tự ái đó là đuổi học em bé vô căn cớ. Về nguyên tắc, việc đuổi học đối với một học sinh phải tuân thủ những quy định của ngành cùng những nội quy, quy chế phù hợp pháp luật của nhà trường và học sinh phải vi phạm ở mức nghiêm trọng. Trong câu chuyện này, chiếc cà vạt của trường bị chê bai là chuyện không lớn. Và cho dù hành xử của người mẹ là đáng chê trách thì cũng không thể bắt một học sinh lớp 2 chịu trách nhiệm về điều đó.

Từ một chuyện tưởng như rất bé mà bị người lớn “xé ra to”. Hậu quả là năm học mới chưa được bao lâu một em lớp 2 đã phải gánh chịu hậu quả là chuyển trường, chuyển lớp. Đó sẽ là kỷ niệm chẳng đẹp đẽ gì trong ký ức của em khi mới bước vào ngưỡng cửa của bậc phổ thông.

Những năm gần đây, ngành giáo dục đang phát động phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”... Nhưng với những gì đang diễn ra ở Trường tiểu học Sao Việt của thủ đô Hà Nội, xem ra cái môi trường thân thiện trong trường học còn phải phấn đấu nhiều, rất nhiều!

Linh Tâm

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu